Sáng 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Lao động nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Luật bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và NLĐ, thu hút đông đảo NLĐ và tổ chức của NLĐ tại DN tham gia Công đoàn Việt Nam; kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ở nước ta.
Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ là người nước ngoài (Điều 5), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, tại Tờ trình số 07/TTr-TLĐ ngày 19/4/2024, Cơ quan soạn thảo trình Quốc hội 2 phương án và lựa chọn phương án 1 là bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của NLĐ là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị SDLĐ trên lãnh thổ Việt Nam. Hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đã cung cấp thông tin tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về nội dung này. Việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban TVQH chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”; bổ sung cụm từ “và thôi tham gia”, thể hiện tại tên điều (thành “Quyền thành lập, gia nhập, hoạt động và thôi tham gia công đoàn”) và khoản 4 Điều 5. Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của Dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó NLĐ là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.
Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức NLĐ tại DN, tiếp thu ý kiến ĐBQH, trong khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, Điều 6 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Không nên luật hóa thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách
Qua thảo luận, đa số ĐBQH tán thành với việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng thời cho rằng, về cơ bản dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW. Về bảo đảm điều kiện hoạt động, công đoàn (Điều 27), tại khoản 2 dự án luật quy định: “ Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được người SDLĐ trả lương. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà BCH công đoàn cơ sở và người SDLĐ thỏa thuận về thời gian tăng thêm”.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)
Theo ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An), qua tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn cơ sở về dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở như luật hiện hành là hết sức bất cập, còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, có số lượng NLĐ đông. Thực tế, việc các cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng 12 giờ hay 24 giờ làm việc trong 1 tháng để làm công tác công đoàn như hiện nay là hết sức hạn chế. Trong khi, việc thỏa thuận của người SDLĐ để có thêm thời gian hoạt động của công đoàn cũng hết sức khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có đông NLĐ cần có nhiều thời gian để hoạt động công đoàn.
Để giải quyết bất cập này, ĐB Trần Nhật Minh cho rằng, không nên quy định cụ thể số lượng, thời gian như dự thảo luật mà chỉ cần quy định nguyên tắc chung: cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị SDLĐ trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn. Đồng thời, giao Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở theo quy mô của từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp theo hướng như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 là hợp lý.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, rà soát quy định cụ thể về quy mô tổ chức, số lượng cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với từng loại tổ chức công đoàn, tránh gây gánh nặng cho đối tượng SDLĐ. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nội dung này để bảo đảm việc thực hiện giảm giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách được thống nhất.
Nguyệt Hà