Trong lúc thế giới ngày càng chú trọng đến vấn đề môi trường và lãng phí thực phẩm, Nhật Bản đang nổi lên như một trong những quốc gia đi đầu trong việc kéo dài hạn sử dụng của các sản phẩm chế biến, nhằm giảm thiểu lãng phí.
Cuộc khảo sát do Cơ quan Các vấn đề tiêu dùng Nhật Bản tiến hành đối với 585 nhà sản xuất thực phẩm ở nước này cho thấy, có tới 43% trong tổng số 935 sản phẩm được khảo sát đã được gia hạn thời gian sử dụng. Điều này cho thấy bước tiến lớn của ngành công nghiệp thực phẩm Nhật Bản trong việc giảm lãng phí và bảo vệ môi trường.
Những thay đổi trên giúp kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm chế biến, nhờ đó giảm bớt áp lực về việc loại bỏ thực phẩm trước hạn sử dụng, vốn là một trong những nguyên nhân chính gây lãng phí thực phẩm.
Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến từ tháng 7 đến tháng 8/2024, với quy mô từ các doanh nghiệp nhỏ dưới 20 nhân viên cho đến các công ty lớn. Kết quả cho thấy 53% số doanh nghiệp nhỏ không có kế hoạch gia hạn thời gian sử dụng sản phẩm. Con số này là 29% đối với các doanh nghiệp vừa và 15% đối với các doanh nghiệp lớn. Số liệu cho thấy rõ sự phân hóa trong cách tiếp cận và khả năng ứng phó với các thách thức về lãng phí thực phẩm.
Hồi tháng 6, Nhật Bản công bố số liệu cho thấy tổng lượng thực phẩm ăn được bị vứt bỏ trong năm tài chính 2022 lên tới khoảng 4,72 triệu tấn, gây thiệt hại kinh tế 4.000 tỷ yen (25 tỷ USD). Chính phủ nước này đặt mục tiêu đến năm tài chính 2030 sẽ giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí tại các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh từ mức của năm tài chính 2000. Theo số liệu mới nhất, các cơ sở kinh doanh liên quan thực phẩm, gồm các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng, đã đạt mục tiêu giảm lượng thực phẩm bị lãng phí xuống 2,36 triệu tấn trong năm tài chính 2022 so với mức 5,47 triệu tấn trong năm tài chính 2000. Và để đáp ứng mục tiêu năm 2030, các hộ gia đình cần giảm lượng thực phẩm bị lãng phí xuống còn 2,16 triệu tấn.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng thực phẩm lãng phí của cơ sở kinh doanh giảm là nhờ các biện pháp như kéo dài thời gian sử dụng tốt nhất và nới lỏng hạn chót giao hàng từ các nhà sản xuất thực phẩm cho các cơ sở bán lẻ.
Thực phẩm lãng phí là vấn đề lớn toàn cầu do chúng tạo ra lượng khí thải CO2 không cần thiết. Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc kêu gọi giảm 50% số thực phẩm bị lãng phí trên toàn cầu tính theo đầu người ở khâu bán lẻ và tiêu dùng, cũng như giảm thực phẩm thất thoát trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Liên Hợp Quốc cho biết, tình trạng thiếu thực phẩm toàn cầu không có biến động trong giai đoạn 2021-2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều mức trước đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến khoảng 9,2% dân số thế giới trong năm 2022 so với 7,9% trong năm 2019. Dự báo sẽ có gần 600 triệu người thiếu ăn kinh niên vào năm 2030, trong khi đại dịch và xung đột có thể đưa thêm 119 triệu người vào diện suy dinh dưỡng.
Ngọc Tuấn