Sáng 24/1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 9 khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024), thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung công tác năm 2024.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Hội nghị lần thứ 9 được tiến hành trong lúc vừa kết thúc năm 2023, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, GDP tăng trưởng 5,05%- thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân ổn định, từng bước được nâng lên; quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường; công tác đối ngoại đạt được nhiều thành tựu rất ấn tượng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được kết quả quan trọng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Bà Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đặc biệt, Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện các Chương trình MTQG, cơ bản tháo gỡ được các nút thắt để thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục phát triển. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 43 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đó là cơ sở chính trị đặc biệt quan trọng để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên tập hợp, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cũng theo ông Chiến, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương về phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025 và đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai; thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Chính phủ phát động Cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” để phát huy tinh thần đoàn kết, nhân ái của dân tộc, huy động mọi nguồn lực hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát cho 100% hộ nghèo trên toàn quốc.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong năm qua, công tác đại diện, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Tổng LĐLĐ đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc hoặc bị ngừng việc, giúp gần 100.000 lượt đoàn viên được thụ hưởng với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão đã hỗ trợ cho hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng kinh phí hơn 6.100 tỷ đồng. Các cấp Công đoàn phối hợp tổ chức 3.625 cuộc giám sát về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan.
“Đổi mới phát động, tổ chức các phong trào thi đua, Chương trình “1 triệu sáng kiến- nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” giai đoạn 2022-2023 do Tổng LĐLĐ phát động đã thành công vượt kỳ vọng với hơn 2 triệu sáng kiến tham gia, đạt trên 200% chỉ tiêu, với tổng giá trị làm lợi hơn 33.000 tỷ đồng. Qua đó, góp phần khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”- ông Khang nhấn mạnh.
Hội nghị lần thứ 9 khóa IX của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ông Nguyễn Đình Khang cũng nêu rõ, những khó khăn, thách thức trong năm 2024 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và NLĐ. Bởi vậy, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, tăng cường tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ như: Luật BHXH, Luật BHYT, Luật KCB, Luật Nhà ở... Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của NLĐ tại các địa phương tập trung nhiều DN, KCN, KCX, địa bàn đông đồng bào DTTS và tôn giáo, giảm thiểu việc các thế lực thù địch lợi dụng tình hình lôi kéo, xúi giục NLĐ ngừng việc tập thể hoặc có hành động gây phức tạp tình hình…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, 3 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy giảm, chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, tiêu dùng giảm sút, thế giới và cả đất nước phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng; đặc biệt vấn đề khác của thế giới như xung đột, điểm nóng gia tăng, cạnh tranh rất lớn, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cùng với nhiều khó khăn nội tại, về độ mở của nền kinh tế khá lớn, tăng trưởng, năng suất lao động, những đột phá về nhân lực chất lượng cao chưa đạt được như kỳ vọng, mong muốn. Đời sống một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn... Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cũng đã cho thấy, đây là quyết định đúng đắn của MTTQ Việt Nam. Mặt trận đã phát động Chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc", đến nay cơ bản đảm bảo được 5.000 nhà cho đồng bào các DTTS ở Điện Biên. Đây là sự nỗ lực rất lớn và có sự cộng đồng, chia sẻ chung của cả xã hội dưới sự phát động của MTTQ Việt Nam. Các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn, hoạt động giám sát, phản biện ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Các đạo luật vừa thông qua tại Quốc hội cũng như những đạo luật đã được chuẩn bị để tiếp tục thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật BHXH và một số đạo luật khác đều có sự đóng góp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai mong muốn MTTQ Việt Nam tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể để các văn bản của Đảng đi vào cuộc sống, nâng cao được hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Điều quan trọng là mỗi một hoạt động của Mặt trận phải thực chất, phải gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Trên cơ sở đó, tạo được sự đồng thuận và sự đồng thuận này cũng phải là sự đồng thuận thực chất, sự tham gia tích cực của nhân dân, để tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Mặt trận, đối với Đảng.
Nguyệt Hà