Italy, Bồ Đào Nha và Bulgaria ghi nhận tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2024.
Đầu năm 2024, dân số EU ước tính là 449,3 triệu người, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 1/5. Con số này tăng 0,3% so với năm 2023 và tăng 2,9% so với 10 năm trước đó, theo số liệu mới nhất của Eurostat - cơ quan thống kê EU.
Năm 2024, tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng ở 26 quốc gia EU so với năm 2023 và chỉ giảm ở Malta. Những quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất là Italy (24,3%), Bồ Đào Nha (24,1%), Bulgaria (23,8%), Phần Lan (23,4%), Hy Lạp (23,3%) và Croatia (23%). Thấp nhất là Luxembourg (15%) và Ireland (15,5%).
Trong những thập niên tới đây, lực lượng dân số già được dự đoán tăng mạnh vì tuổi thọ tăng trong khi tỷ lệ sinh thấp diễn ra liên tục. Theo Eurostat, điều này có thể dẫn đến "gánh nặng gia tăng đối với những người trong độ tuổi lao động phải đảm bảo chi trả cho các chi phí xã hội cần thiết liên quan dân số già".
Trẻ em từ 0 đến 14 tuổi hiện chiếm gần 15% dân số EU, trong khi những người được cho là ở độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Tỷ lệ trẻ em cao nhất năm 2024 tập trung ở Ireland (18,9%), Thụy Điển (17,1%) và Pháp (17%). Tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận ở Italy (12,2%), Malta (12,3%) và Bồ Đào Nha (12,8%).
Vậy vào năm 2100, tình hình nhân khẩu học của EU sẽ như thế nào?
Trên toàn khối, tuổi trung bình dao động từ 39,4 tuổi tại Ireland đến 48,7 ở Italy trong năm 2024, tăng 2,2 tuổi so với năm 2014. Mức tăng là 4 tuổi ở Italy, Slovakia, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên ở Đức, tuổi trung bình giảm từ 45,6 năm 2014 đến 45,5 năm 2024, và ở Malta giảm từ 40,5 năm 2014 xuống còn 39,8 vào năm 2024.
Dân số EU dự kiến sẽ tăng lên mức đỉnh điểm là 453,3 triệu người vào khoảng năm 2026 và sau đó giảm dần xuống còn 419,5 triệu người vào năm 2100. Tuổi trung bình được dự đoán sẽ tăng 5,5 năm, từ 44,7 tuổi vào năm 2024 lên 50,2 tuổi vào năm 2100.
Tỷ lệ người từ 80 tuổi trở lên ở EU dự kiến sẽ tăng gấp 2,5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2100, từ 6,1% lên 15,3%.
Tình trạng dân số giảm và già hóa nhanh ở EU được cho là sẽ tạo ra "gánh nặng nhân khẩu học", tác động tiêu cực đến mức sống của người dân, theo Population Europe - mạng lưới các trung tâm nghiên cứu nhân khẩu học hàng đầu của châu Âu. “Điều này có thể có "tác động tiêu cực đến mức sống, được đo bằng GDP bình quân đầu người", mạng lưới này cho biết.
Bên cạnh đó, các quốc gia lục địa già sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế.
"Hậu quả chính là tăng trưởng chậm lại và gánh nặng thuế cao hơn do chi tiêu lương hưu và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, trợ cấp cho người cao tuổi tăng lên", nhà nghiên cứu John Springford của Trung tâm Cải cách châu Âu, đánh giá.
HD