Ngày 20/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng: Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu tham gia trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham gia trực tuyến đến từ các cơ quan hữu quan: Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Việc làm Đức, Viện Tương lai Bền vững (Đại học Công nghệ Sydney) và các đại diện khu vực tư nhân.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS.Guido Hildner- Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, CHLB Đức là đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam. Dự án chung đầu tiên giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được triển khai vào năm 2009. Kể từ đó, sự hợp tác giữa hai bên đã không ngừng phát triển. Theo đó, hiện tổng giá trị danh mục các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch lên tới hơn 1 tỷ Euro.
"Trong Hội thảo này, chúng tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm của chính mình. Ở Đức, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu người. Điều này cho thấy, quá trình chuyển dịch năng lượng là một quá trình phức tạp với những đòi hỏi khắt khe, nhưng cũng là cơ hội to lớn, mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế”- TS.Guido Hildner nhấn mạnh.
Ghi nhận tầm quan trọng của việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho NLĐ, bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định: "Đây là giải pháp cần thiết để hỗ trợ NLĐ duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm; từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng". Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng mong muốn các chuyên gia, đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm về việc khai mở tiềm năng về chuyển đổi năng lượng, đề xuất những giải pháp cụ thể liên quan tới việc làm, đào tạo các kỹ năng cho NLĐ để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế IRENA, năm 2022, ngành năng lượng tái tạo toàn thế giới ước tính có khoảng 12,7 triệu việc làm và con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng ước tính thế giới sẽ có thêm 25 triệu việc làm trong ngành năng lượng sạch và các ngành liên quan vào năm 2030.
Riêng tại Việt Nam, theo ấn phẩm “Đánh giá tổng quan về tác động kinh tế-xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng” (do GIZ xuất bản tháng 3/2022, với sự tài trợ của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức), những việc làm sẽ trở thành xu hướng trong tương lai xanh bao gồm những việc làm có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới năng lượng tái tạo, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như: Thiết kế nhà máy, quản lý dự án, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì nhà máy điện, sản xuất tua bin, máy phát điện, nồi hơi, tấm pin quang điện, hệ thống gió cho các nhà máy điện. Ngoài ra, còn có các công việc phái sinh được tạo ra, ví dụ trong lĩnh vực logistics hoặc từ nhu cầu sinh kế của NLĐ (cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, dịch vụ thiết yếu...).
Các chuyên gia cũng nhận định, lực lượng lao động tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn về nghề nghiệp. Do đó, NLĐ nên tiếp cận những kiến thức, kỹ năng cập nhật nhất về lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như các vị trí công việc liên quan tới ngành nghề xanh để đón đầu xu thế. Hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, Đức hỗ trợ 11 trường cao đẳng nghề ở Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo nghề kỹ thuật và nghề xanh theo định hướng chuẩn Đức, do vậy đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị từ nhiều phía và cần sự hợp tác chặt chẽ với các DN…
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chia sẻ những câu chuyện về chuyển dịch năng lượng trên thế giới, các cơ chế dẫn đến thành công. Đồng thời, tổ chức các nhóm thảo luận chuyên sâu ở 5 lĩnh vực: Điện gió, điện mặt trời, vai trò của phụ nữ trong ngành năng lượng, hiệu quả năng lượng và giao thông xanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phải xem xét và kết hợp các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để đảm bảo chuyển dịch công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời cần lưu tâm đến vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Ông Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ: “Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng cần thiết và sẵn sàng học hỏi từ các điển hình tốt trên thế giới”. Ông Thi cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác Việt-Đức và tin tưởng mối quan hệ này sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và tương lai xanh, phát triển bền vững cho Việt Nam.
Thái An