Trong giai đoạn này, công tác báo chí, truyền thông của ngành BHXH Việt Nam liên tục được đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại theo Đề án Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 và những định hướng tại Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH.
Theo đó, các nội dung truyền thông được xây dựng theo hướng đi sâu vào lợi ích, giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHTN, BHYT, ngắn gọn, súc tích, gắn với các thông điệp gần gũi, dễ nhớ. Các hình thức truyền thông được triển khai khá đa dạng, phong phú, tập trung vào hình thức tư vấn, đối thoại trực tiếp, đến với nhiều nhóm chủ thể khác nhau trên phạm vi cả nước, trong đó chú trọng các nhóm chủ thể tiềm năng mang lại những hiệu quả tích cực. Để tận dụng ưu thế của những tiến bộ công nghệ, Ngành cũng đã đẩy mạnh các hình thức truyền thông hiện đại, truyền thông xã hội, truyền thông số một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT; công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ngành; các quy định, hướng dẫn của BHXH Việt Nam trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT đến người dân…, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện chính sách. Cùng với phiên bản tiếng Việt, tháng 11/2017, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Anh đã chính thức được ra mắt.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí của Ngành gồm Báo BHXH và Tạp chí BHXH (từ năm 2020 cơ cấu lại thành Tạp chí BHXH) đã tích cực đổi mới nội dung theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt, phản ánh kịp thời những sự kiện, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách và thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT; xuất bản qua nhiều hình thức (Tạp chí BHXH điện tử, Tạp chí BHXH bản in xuất bản 1 kỳ/tháng; Kỳ An sinh xã hội bản in xuất bản 2 kỳ/tuần); đồng thời không ngừng đa dạng hình thức thể hiện, trình bày theo xu hướng báo chí hiện đại và thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả trong kỷ nguyên số…, góp phần lan tỏa chính sách tới các tầng lớp nhân dân, giúp xã hội hiểu rõ hơn về chính sách cùng những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách…
Tính từ năm 1995 đến nay, hơn 2.400 kỳ Tạp chí BHXH, Báo BHXH bản in đã phát hành 77 triệu cuốn/tờ; đăng tải trên 60.000 tin, bài. Từ năm 2015 đến năm 2024, Trang Thông tin điện tử của Báo BHXH, Trang Thông tin điện tử của Tạp chí BHXH và Tạp chí BHXH điện tử đã đăng tải hơn 30.000 tin, bài, trong đó có hàng ngàn sản phẩm báo chí chất lượng cao được thể hiện qua các hình thức như Video clip, E-Magazine, Long-form, Infographic, Podcast… đã có trên 79 triệu lượt truy cập.
Qua 14 năm hoạt động, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam cũng đã đăng tải gần 25.000 tin, bài, văn bản, thu hút hơn 400 triệu lượt truy cập. Cổng Thông tin điện tử phiên bản tiếng Anh đã đăng tải hơn 3.500 tin, bài, văn bản, thu hút hơn 8,3 triệu người theo dõi.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp truyền thông với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục được thực hiện đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Truyền thông hướng đến nhóm chủ thể tiềm năng, trong đó chú trọng đối tượng lao động là nông dân, khu vực phi chính thức nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Từ năm 2016-2024, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức trên 960 hội nghị tập huấn, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp,... với khoảng 209.000 lượt người tham dự. Công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí cũng được tăng cường, ngày càng chặt chẽ, hiệu quả (giai đoạn 2016-2024, ước có hơn 184.000 tin, bài, phóng sự về BHXH, BHYT được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng).
Công tác truyền thông tại địa phương cũng liên tục được đổi mới cho phù hợp với thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường internet, bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các đơn vị liên quan tổ chức khoảng 181.500 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại,... với khoảng 11,2 triệu lượt người tham dự; thực hiện khoảng 5,1 triệu lượt truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; đăng tải, phát sóng khoảng 209.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục... trên các phương tiện thông tin, báo chí địa phương; đăng tải khoảng 217.000 tin, bài, văn bản, infographic, video trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh; in ấn, phát hành khoảng 105,6 triệu bản ấn phẩm truyền thông trực quan...
Nhiều mô hình sáng tạo trong truyền thông, vận động người tham gia BHXH, BHYT đã được BHXH các tỉnh triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới như: Truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn 1-1; Tổ Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện vì cuộc sống bình an; Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện; Vận động giáo viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cho thân nhân; Tổ dân phố thực hiện chính sách BHXH, BHYT toàn dân; Gian hàng An sinh; Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện; Tuyên truyền trên phương tiện giao thông công cộng... Các kịch bản truyền thông được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng…
Những nỗ lực trong công tác truyền thông đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, tạo nền tảng quan trọng cùng toàn Ngành hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
PV