Chiều 6/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng chủ trì buổi làm việc về Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo kế hoạch, Dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 31 và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2024. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là dự án luật khó, tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Do đó, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động đối với từng nội dung sửa đổi theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; riêng đối với các nội dung có tác động lớn, nhạy cảm, thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý các vấn đề cụ thể như: HĐQL quỹ BHXH; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; quản lý thu quỹ BHXH; thẩm quyền của cơ quan BHXH; điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu; quy định về hưởng BHXH một lần; xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH và mức xử phạt; về quản lý quỹ BHXH...
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Ủy ban Xã hội nắm bắt dư luận xã hội, giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Ủy ban Kinh tế có ý kiến về các vấn đề liên quan lĩnh vực phụ trách. Đến thời điểm này, còn một số vấn đề còn băn khoăn như: Xử lý mối quan hệ giữa thực hiện cải cách chính sách tiền lương và một số quy định trong Dự thảo Luật; tác động của việc bãi bỏ mức lương cơ sở; NSNN và quỹ BHXH; sự chênh lệch về mức đóng, mức hưởng giữa khu vực thực hiện cải cách tiền lương và khu vực tư; giữa những người tham gia BHXH ở các giai đoạn khác nhau…
Tại buổi làm việc, Thường trực Ủy ban Xã hội đã báo cáo tóm tắt một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến, làm rõ những vấn đề được nêu trong báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội như: Quy định về hưởng BHXH một lần; tác động của cải cách chính sách tiền lương đến các quy định có liên quan của Dự thảo Luật; các chế độ BHXH có liên quan đến lĩnh vực y tế…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính… đã giải trình và làm sáng tỏ nhiều vấn đề tại buổi làm việc.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, làm việc nghiêm túc và tích cực, nhằm tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức 6 cuộc họp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan; tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng cho ý kiến về các nội dung lớn cần báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, đối với những vấn đề Thường trực Ủy ban Xã hội đặt ra nhưng chưa được trả lời hoặc làm rõ tại buổi làm việc này, thì Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần sớm có văn bản trả lời, làm rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, hồ sơ và giải trình đầy đủ các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Đặc biệt, tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như DN, NLĐ... nhằm bảo đảm chất lượng Dự thảo Luật tốt nhất khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Nguyệt Hà