Mức độ phổ biến của hàng "dude" đang tăng vọt khi niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc dần tiến đến mức thấp kỷ lục.
Dupe- viết tắt của duplica là một khái niệm dùng để chỉ các sản phẩm có thể mang lại trải nghiệm người dùng tương tự các bản gốc xa xỉ nhưng giá rẻ hơn nhiều. Hãng tin CNN dẫn lời Laurel Gu- Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Mintel có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, kinh tế suy giảm "rõ ràng" đã khiến lượng tìm kiếm hàng dupe trên mạng xã hội tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến năm 2024.
Zheng Jiewen, 23 tuổi, làm việc toàn thời gian tại một công ty quảng cáo ở Quảng Châu. Là một người mẫu ảnh, cô từng kiếm được 30.000 Nhân dân tệ (hơn 4.200 USD) một tháng khi bắt đầu làm việc cách đây 2 năm. Nhưng kể từ năm ngoái, hoạt động kinh doanh của công ty sụt giảm nên lương của Zheng giảm dần, đỉnh điểm là một đợt cắt giảm lớn vào tháng 2 vừa qua khiến thu nhập của cô chỉ còn bằng một nửa so với trước.
"Tôi thực sự với thực tế này", Zheng bày tỏ. Cô cho biết, với mức lương tháng chỉ 15.000 nhân dân tệ, cô đã lập tức phải điều chỉnh chi tiêu và không thể mua những sản phẩm xa xỉ như trước kia nữa.
Xinxin- một giáo viên tiểu học ở Trùng Khánh, chia sẻ cô vốn là người trung thành với sản phẩm dưỡng da Advanced Night Repair của Estée Lauder. Tuy nhiên, do lương bị giảm 20% trong năm nay nên cô đành chuyển sang các giải pháp thay thế phù hợp với túi tiền. Xinxin tìm được một sản phẩm có cùng thành phần chính với mức giá rẻ hơn nhiều.
Nhưng những người như Zheng hay Xinxin vẫn rất may mắn vì có việc làm. Hôm 20/9 vừa qua, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 18-24 tuổi (không bao gồm sinh viên) tại nước này đã tăng lên 18,8% vào tháng 8. Con số này tăng từ 17,1% vào tháng 7 và 13,2% vào tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của mọi nhóm tuổi đã tăng 5,3% vào tháng 8, so với mức tăng 5,2% vào tháng 7.
Một năm rưỡi sau khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới đại dịch Covid-19, niềm tin của người tiêu dùng vẫn đang chật vật để phục hồi, theo một lưu ý nghiên cứu mới đây.
Laurel Gu cho biết, không giống như 10 năm trước, khi người tiêu dùng tại Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho các thương hiệu xa xỉ phương Tây, giờ đây họ chuyển dần sang các lựa chọn thay thế hợp túi tiền hơn. So với các nhãn hiệu xa xỉ, hàng dupe có giá rẻ hơn. Chẳng hạn, chiếc quần yoga Align của Lululemon có giá 750 nhân dân tệ trên trang web chính thức nhưng khi tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử phổ biến sẽ thấy hàng chục gian hàng khác có gắn tên Lulu chào bán những chiếc legging tương tự rẻ gấp hơn chục lần với cam kết chất lượng tương đương.
Nhưng xu hướng mới lại đang trở thành mối đe dọa đối với các thương hiệu xa xỉ. Doanh số bán hàng tại công ty chủ quản LVMH trong 6 tháng đầu năm nay tại khu vực châu Á, thị trường do Trung Quốc thống trị, đã giảm 10% so với năm 2023. Nó cũng góp phần làm cho tiêu dùng và doanh số bán lẻ nói chung ảm đạm, vốn đã không đạt được như kỳ vọng vào tháng trước.
Một loạt dữ liệu kinh tế trong suốt mùa hè đã yếu đến mức các nhà kinh tế lo ngại Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đưa ra hồi tháng 3. Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 ở mức 4,8% và năm 2025 ở mức 4,5%.
Hoàng Dương