Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), có 1.856 trẻ em Malaysia kết hôn vào năm 2018, trong đó có 1.372 trẻ là nữ và 170 trẻ là nam; năm 2021, con số này giảm xuống còn 1.042 vụ (44%).
Malaysia là một quốc gia đang phát triển, kinh tế đang có bước tiến vững chắc; đồng thời, được công nhận là một trong 17 quốc gia giàu di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học nhất thế giới. Tuy nhiên, có một nghịch lý là những năm gần đây, dù thúc đẩy đất nước theo hướng hiện đại hóa, song Malaysia lại bị khuyến cáo về sự gia tăng đáng báo động nạn tảo hôn.
Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp Shariah Malaysia, tỷ lệ chấp thuận kết hôn khi chưa đủ tuổi trong giai đoạn 2005–2015 vào khoảng 82%. Đạo luật Cải cách Luật pháp năm 1976 (LRA) không thể phủ quyết quyết định của Tòa án Shariah, điều này khiến thực trạng nạn tảo hôn ở Malaysia vẫn chưa được cải thiện.
Các quốc gia như Iraq, Pakistan, Ả Rập Saudi, Iran và Malaysia đều có một điểm chung là tôn trọng Quyền Tài phán Shariah, một hình thức luật tôn giáo dựa trên kinh sách Hồi giáo. Quyền Tài phán Shariah được chia thành 3 hệ thống khác nhau:
Hệ thống Shariah Cổ điển/Classic Shariah System: Luật Sharia có vai trò là Luật quốc gia, hệ thống tư pháp thường do Quốc vương giám sát, như thấy ở Ả Rập Saudi, Iran và Brunei.
Hệ thống Thế tục/Secular System: Tòa án Shariah chỉ giải quyết vấn đề dân sự và không có thẩm quyền đối với hệ thống pháp luật của đất nước, như ở Indonesia, Ấn Độ và Nigeria.
Hệ thống Hỗn hợp/Mixed System: Hệ thống phổ biến nhất, trong đó hệ thống pháp luật quốc gia cùng tồn tại với Quyền Tài phán của Luật Shariah đối với các lĩnh vực cụ thể như kết hôn, ly hôn, quyền nuôi con, quy định về trang phục và tiêu thụ rượu.
Trong khi thẩm quyền của Luật Shariah có vẻ phù hợp trong một số trường hợp, thì đối với một số trường hợp nhất định có thể hơi cực đoan. Ví dụ, vào năm 2019, Quyền Tài phán Sharia của Brunei đã đưa ra một luật hình sự mới quy định tử hình bằng cách ném đá đối với các tội danh như báng bổ, bội giáo, quan hệ tình dục đồng giới và xúc phạm đạo Hồi.
Quay về nạn tảo hôn, có thể thấy, Luật Shariah thường bỏ qua yêu cầu về độ tuổi hợp pháp để kết hôn, khiến nhiều trẻ em dễ bị tổn thương gặp rủi ro. Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến tảo hôn là khó khăn về tài chính, khiến cha mẹ sắp xếp hôn nhân cho con cái của họ với hy vọng đảm bảo tương lai cho chúng- điều này khiến trẻ em bị “đánh cắp” tuổi thơ, cơ hội đi học và có thể phải đối mặt với nạn bạo hành.
Để ứng phó với tảo hôn, Bộ Phụ nữ- Gia đình và Phát triển Cộng đồng Malaysia đã đưa ra Chiến lược Quốc gia về Giải quyết nguyên nhân của tảo hôn, có hiệu lực từ năm 2020 đến năm 2025. Chiến lược đề cập đến các yếu tố cần khắc phục để hạn chế tảo hôn như thu nhập hộ gia đình thấp; thiếu giáo dục và luật pháp không nghiêm ngặt.
Qua đó, kêu gọi bảo đảm An sinh xã hội cho hộ gia đình có thu nhập thấp; cải thiện khả năng tiếp cận y tế, giáo dục, tăng tỷ lệ đi học cho trẻ em và giải quyết vấn đề vướng mắc liên quan đến tảo hôn trong cộng đồng. Kết quả, Chiến lược đã giúp giảm số vụ tảo hôn ở Malaysia từ 1.856 vụ vào năm 2018, xuống còn 1.042 vụ vào năm 2021, tỷ lệ giảm khoảng 44%.
Tùng Anh (Theo Kuala Lumpur News)