Sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị thuộc lực lượng cách mạng gồm: Ủy ban Quân chính Thành phố, các đơn vị bộ đội tiến vào Hà Nội từ các hướng đúng như dự cảm huy hoàng về ngày chiến thắng của nhạc sĩ Văn Cao. Giờ đây, sau 70 năm, Hà Nội đã trở thành thành phố vì hòa bình, là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của cả nước.
Càng về cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tục gia tăng các hoạt động khiêu khích lực lượng cách mạng. Chúng chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn… Đầu tháng 12/1946, quân Pháp đã dùng đại bác, súng cối bắn phá nhiều khu phố trên địa bàn Hà Nội, chúng ngang nhiên đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18-19/12/1946, quân Pháp đã gửi tối hậu thư buộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng.
Quang cảnh Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 10/10/1954
Trước dã tâm của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác là phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.
Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, trong đó Người khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”…
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chính thức bắt đầu. Tại Hà Nội, các đội tự vệ cùng với các tầng lớp nhân dân nhất tề đứng lên chống quân xâm lược. Tuy không cân sức về lực lượng, nhưng quân dân Thủ đô không hề sợ hãi, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy, bình tĩnh tự tin, dũng cảm đối diện quân thù.
Các khu phố và liên khu phố đều thành lập các tổ chiến đấu, cứu thương, tiếp tế, phá hoại, thu thập tình hình địch. Bí mật đào đắp công sự, tạo chướng ngại vật hình thành các chiến lũy ở phía các cửa ô.
Nhân dân không tiếc các tài sản quý như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ…để xây dựng chiến lũy. Các chiến sĩ Vệ quốc quân, quyết tử quân, dân quân, tự vệ đã làm lễ tuyên thệ với lời thề: “Sống chết với Thủ đô”, Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Các chiến sĩ Việt Minh tiến vào nội thành Hà Nội trong mưa
Qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Thủ đô đã gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, lực lượng cách mạng vượt sông Hồng, rút khỏi thành phố lên chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Như nhà thơ Chính Hữu miêu tả thời khắc hùng tráng khi quân dân Hà Nội rời Thăng Long đi kháng chiến:
“Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”
Trải qua chín năm trường kỳ kháng chiến với các chiến dịch tấn công anh dũng của quân dân ta từ Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, các Chiến dịch Tây Nguyên, Thượng Lào, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên… và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 20/7/1954.
Theo nội dung Hiệp định Geneva, một số khu vực ở miền Bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời hạn là 80 ngày.
Sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị thuộc lực lượng cách mạng gồm: Ủy ban Quân chính Thành phố, các đơn vị bộ đội tiến vào Hà Nội từ các hướng đúng như dự cảm huy hoàng về ngày chiến thắng của nhạc sĩ Văn Cao:
“Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…”
Quân ta tiến đến đâu, nhân dân đổ ra hai bên đường, tung hoa, phất cờ mừng reo không ngớt, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trên khắp các tầng nhà… Ai nấy đều xúc động và biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu cống hiến cho độc lập, tự do, thống nhất của đất nước Việt Nam.
Chiều ngày 10/10/1954, quân dân Thủ đô, thay mặt đồng bào cả nước đã làm lễ chào cờ, lắng nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui không xiết kể…”.
Sau 70 năm, Hà Nội đã trở thành thành phố vì hòa bình, là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của cả nước. Mỗi chúng ta hãy cùng chung sức để tạo nên một Hà Nội ngày càng đẹp hơn, thân thiện hơn, nhân văn hơn với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” để hiện thực hóa lời căn dặn của Bác năm xưa: “Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” cùng truyền thống văn hiến nghìn năm của quê hương, đất nước.
Trịnh Toàn Thắng