Ô nhiễm nguồn nước sông ngòi đang là một trong những mối lo ngại của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Indonesia.
Sông Citarum hay Sungai Citarum là một con sông lớn ở Tây Java (Indonesia), có vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Người ta ước tính có khoảng 28 triệu người Indonesia sống dựa vào nguồn nước của sông. Nước từ Citarum cung cấp trực tiếp cho khoảng 9 triệu người dân ở trung tâm Thủ đô Jakarta; là nguồn tưới cho 400.000 ha đất nông nghiệp, cho các trang trại nuôi thủy sản, cũng như các công trình thủy điện.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, do hứng chịu lượng lớn chất thải của con người và hoạt động công nghiệp, mức độ vi khuẩn trong sông Citarum cao hơn 5.000 lần so với giới hạn an toàn. Nồng độ chì cũng cao hơn 1.000 lần so với mức cho phép để tiêu thụ. Hiện mức nước duy nhất không bị ô nhiễm ở Citarum nằm sâu 150m dưới lòng đất, chỉ các ngành công nghiệp với trang thiết bị chuyên dụng mới có thể khai thác và làm sạch. Vì vậy, sông Citarum bị ô nhiễm nặng sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề; trong đó, có sức khỏe của người dân, nghiêm trọng nhất là bệnh tả và các bệnh về da.
Được sự chấp thuận của Chính phủ Indonesia, ngày càng nhiều tổ chức phi chính phủ vào cuộc, đồng hành cùng cơ quan chức năng trong việc làm sạch nguồn nước. Sungai Design là một ví dụ. Những năm qua, thành công mà tổ chức phi chính phủ này đạt được không chỉ được Indonesia ghi nhận, mà còn được nhiều quốc gia láng giềng tham khảo.
Để giảm bớt ô nhiễm, Sungai Design phát triển một hệ thống 300 đập sông có tác dụng chặn rác thải và thu gom, dọn sạch hằng ngày, không để rác thải tích tụ. Sau đó, phân loại rác thải dựa trên bộ tiêu chí quy định về hơn 30 loại và thành phần rác thải. Từ rác thải đã phân loại, tổ chức này tái chế thành đồ nội thất thân thiện với môi trường, chẳng hạn như những chiếc ghế, bao gồm ghế dài và ghế đẩu.
Đến nay, 2,3 triệu kg rác thải nhựa vớt ở sông ngòi được Sungai Design tái chế. Những chiếc ghế “nhựa sông” nhiều màu của Sungai Design đặt ở rất nhiều công trình công cộng trên khắp Indonesia; không những vậy, còn được người tiêu dùng ủng hộ thông qua kênh bán lẻ trên website của Tổ chức. Được biết, mỗi chiếc ghế được làm từ số lượng vật liệu tương đương với 2.000 túi nhựa và bổ sung thêm các mảnh vụn rác tái chế khác.
Thành công bước đầu này khiến Sungai Design trở thành một trong những hình mẫu của tổ chức hình mẫu trong đối phó với khủng hoảng môi trường, chứng minh rác thải vẫn có giá trị, miễn là xử lý và tái sử dụng chúng, để mang lại lợi ích; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)