Một nghiên cứu của Cơ quan Giám sát Sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS) cho thấy, 12 tháng qua, các sông băng ở Thụy Sĩ tan chảy với tốc độ cao; cụ thể, là đã mất đi 2,4% thể tích so với cuối năm 2023. Lý giải về nguyên nhân tan chảy của sông băng, các nhà khoa học chỉ ra, phần lớn là do biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của GLAMOS, nếu không tính năm 2022- năm có 5,9% lượng băng thuộc dãy Alps (Thụy Sĩ) tan chảy và năm ngoái- năm có 4,4% lượng băng tan chảy, thì trung bình khối lượng băng hàng năm bị mất đi trong những thập kỷ gần đây dao động trong khoảng từ 1-3%. Tính riêng 9 tháng năm 2024, tỷ lệ tan chảy 2,4% của sông băng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình hằng năm (1,9%, giai đoạn năm 2010-2020).
Ông Matthias Huss- Người đứng đầu GLAMOS- đang quan sát dòng nước chảy vào một miệng núi lửa trên sông băng Pers trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Pontresina, Thụy Sĩ)
"Tương lai gần, lượng băng tan chảy còn lớn hơn nữa”- Ông Matthias Huss, người đứng đầu GLAMOS, cho biết- “Có thể nói, các sông băng đang tan chảy ngày càng nhanh hơn và đang trên đà biến mất. Ước tính, các sông băng chỉ có thể tồn tại khoảng 100 nữa, nếu chúng ta không có biện pháp hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu. Thực ra, hiện trạng này là việc đã được đoán trước, chúng ta đang sống trong thời đại của biến đổi khí hậu, các sông băng không thể theo kịp tốc độ nóng lên của Trái đất. Hay nói cách khác, trong tình hình khí hậu hiện nay, không thể ổn định các sông băng, ngay cả nơi có mùa đông lý tưởng”.
Tháng 9/2024, các nhà nghiên cứu thuộc GLAMOS tiến hành đo đạc mở rộng tại 20 sông băng, sau đó mở rộng ra 1.400 sông băng khác ở Thụy Sĩ. Kết quả cho thấy, tổng khối lượng sông băng của Thụy Sĩ sẽ đạt 46,4km khối vào cuối năm nay, ít hơn gần 30km khối so với năm 2000. Cho đến tháng 6, các sông băng Thụy Sĩ được hưởng lợi từ lượng tuyết rơi vào mùa đông cao hơn mức trung bình 30% và mùa hè bắt đầu có mưa. Tuy nhiên, nhiệt độ "rất cao" vào tháng 7 và tháng 8, cùng với việc thiếu tuyết rơi mới ở vùng cao, dẫn đến sự tan chảy đáng kể của sông băng".
Sự tan chảy của sông băng đang gây ra những tác động sâu rộng. Thụy Sĩ và Ý buộc phải điều chỉnh biên giới núi của họ dưới đỉnh Matterhorn sau khi các sông băng đánh dấu biên giới trong lịch sử đã tan chảy. LHQ đưa ra cảnh báo, thế giới vẫn còn xa mục tiêu đạt được của Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015, nhằm mục đích giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, khi thế giới đang bị tàn phá bởi nhiều cuộc xung đột và khủng hoảng, thì một bộ phận các Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ lơ là, chưa dành sự quan tâm thích đáng cho hành động ứng phó biến đổi khí hậu; “trong khi sự tan chảy của các sông băng là một ví dụ minh họa rõ nét cho việc cần phải hành động ngay bây giờ, chứ không phải trong một, hai hoặc ba thập kỷ nữa”.
Tùng Anh (Theo Today Online)