Nhiều nghiên cứu chỉ ra, lượng mưa kỷ lục dẫn đến lũ lụt khiến đời sống người dân châu Âu bị ảnh hưởng, phần nhiều do biến đổi khí hậu.
Tháng 9 vừa qua, lũ lụt xảy ra trên khắp Trung Âu sau khi cơn bão Boris tràn qua, làm một số khu vực thuộc Ba Lan, Romania, Slovakia, Áo, Cộng hòa Séc và Đức chìm trong biển nước. Lượng mưa lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận. Và đời sống gần 2 triệu người bị ảnh hưởng.
Một người đàn ông trên con phố ngập nước sau trận mưa lớn ở Litovel (Cộng hòa Séc)
Bà Joyce Kimutai- một nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, phân tích và diễn giải dữ liệu khí hậu thời tiết cực đoan, thuộc Đại học Hoàng gia London (Vương quốc Anh) cho biết: “Chúng tôi vừa góp phần xây dựng báo cáo của World Weather Attribution (WWA). Theo đó, đã tìm thấy “dấu vết” của mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và những trận mưa lớn gây ngập lụt Trung Âu vừa qua. Một lần nữa, thực trạng lũ lụt toàn cầu làm nổi bật hậu quả tàn khốc của “sự nóng lên toàn cầu vì nhiên liệu hóa thạch”.
Báo cáo của WWA cũng đưa ra dự báo, những cơn bão tương tự sẽ xuất hiện thường xuyên hơn 50% ở Trung Âu và gây ra lượng mưa nhiều hơn 5% nếu nhiệt độ tăng lên 2°C. Sử dụng dữ liệu thời tiết và mô hình khí hậu để chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu lên các kiểu thời tiết; WWA so sánh khả năng xảy ra và cường độ của lượng mưa với khí hậu trước kia và bây giờ. Hiện nay, khí hậu Trái đất ấm hơn khoảng 1,3°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và châu Âu đang ấm lên nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, dù lượng mưa đạt mức kỷ lục, song số người chết ở Trung Âu vẫn thấp hơn so với các trận lũ lụt trước đây và ít tổn thất hơn (năm 2002, lũ lụt đã làm 232 người Trung Âu thiệt mạng). Đây là kết quả tích cực của việc đưa ra dự báo sớm, giúp các cơ quan chức năng có công tác phòng, chống và khắc phục thiên tai tốt hơn, chẳng hạn xây dựng tường chắn lũ, xả hết nước trong các hồ chứa và liên tục cảnh báo người dân.
“Lũ lụt hiện nay cho thấy biến đổi khí hậu đang trở nên nguy hiểm và gây ra tổn thất như thế nào. Ngay cả khi đã chuẩn bị nhiều ngày, lũ lụt vẫn tàn phá các thị trấn, làng mạc, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà, làm hàng triệu người dân bị ảnh hưởng… và khiến Liên minh châu Âu (EU) phải đưa ra gói viện trợ 10 tỷ euro”- Bà Maja Vahlberg, Cố vấn kỹ thuật, Hội Chữ thập đỏ- Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế chia sẻ.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)