Ở tuổi 88, ông Ân Gia Vạn là một trong số khoảng 10 thợ may xường xám còn lại ở Hong Kong.
Cúi mình trên tấm vải lụa màu đỏ tươi, người nghệ nhân già với cặp kính dày đang tỉ mỉ khâu những con bướm thêu, miệt mài đính những hạt châu lấp lánh, để cho ra đời một chiếc xường xám- Xường xám hay sườn xám là các tên gọi khác nhau trong tiếng Việt của một loại trang phục truyền thống Trung Quốc.
Hình ảnh của nữ diễn viên Trương Mạn Ngọc với trang phục xường xám tuyệt đẹp trong bộ phim điện ảnh Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love)
Ở tuổi 88, ông Ân Gia Vạn là một trong số khoảng 10 thợ may xường xám còn lại ở Hong Kong. Ông cũng chính là người góp phần tạo nên trang phục xường xám tuyệt mỹ cho nữ diễn viên Trương Mạn Ngọc trong Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love)- bộ phim kinh điển của điện ảnh Hong Kong do đạo diễn Vương Gia Vệ sản xuất và phát hành năm 2000. Tuy nhiên, sau 75 năm hành nghề, phục vụ cho nhiều thế hệ phụ nữ, phụ nữ nội trợ đến những minh tinh màn bạc như Dương Tử Quỳnh, Trương Mạn Ngọc hay Thư Kỳ, ông quyết định sẽ giải nghệ, sớm nhất là vào cuối tháng 9. “Tôi không nhìn rõ được nữa. Mắt tôi có vấn đề và sức khỏe cũng vậy. Tôi nghĩ mình phải nghỉ hưu thôi. Hiện tại còn khoảng 10 chiếc xường xám cần hoàn thành, nên tôi chưa định ngày chính thức đóng cửa”- Ông Ân Gia Vạn vừa nói, vừa khéo léo xử lý viền thêu cho chiếc xường xám.
Nghệ nhân may xường xám Ân Gia Vạn đang làm việc trong xưởng may của mình (Cửu Long, Hong Kong)
Được cải tiến từ “trường sam”- tên gọi áo choàng dài của người Mãn Châu vào thời nhà Thanh, xường xám đã thống trị tủ quần áo của phụ nữ Trung Quốc trong suốt thế kỷ 20, kể từ khi trang phục này trở nên phổ biến ở Thượng Hải vào những năm 1920. Với cổ áo cao, đường xẻ dài đến đầu gối và kiểu dáng ôm sát, xường xám gợi lên cảm giác quyến rũ của phụ nữ thành thị. Đến những năm 1960, xường xám xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Hong Kong.
“Tùy vào mục đích, phụ nữ có thể mặc xường xám ở chốn phồn hoa, song cũng có thể mặc khi đi mua sắm ở các khu chợ ẩm ướt. Một số khách hàng nổi tiếng của tôi, chẳng hạn Uông Minh Thuyên- ca sĩ, diễn viên gạo cội của làng giải trí Hong Kong- thậm chí còn lựa chọn mặc xường xám tại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Một lần khi may xường xám cho cô ấy, tôi không biết là cô ấy sẽ mặc trong đám cưới của mình, nên đã làm ra một thiết kế đơn giản và thậm chí còn dùng vải thừa để may cà vạt cho bạn trai của cô ấy"- ông Ân Gia Vạn chia sẻ.
Sinh ra tại tỉnh Giang Tô, phía Bắc TP.Thượng Hải, khi mới 13 tuổi, ông Ân Gia Vạn được chú đưa đến Hong Kong vào năm 1949 để làm thợ học việc trong một xưởng may xường xám và gắn bó với nghề đến nay. Vào thời điểm đó, hoạt động buôn bán xường xám rất phổ biến và ổn định, một chiếc xường xám trơn chỉ có giá vài đô-la Hong Kong. Thời trang phương Tây trở nên phổ biến sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai khiến xường xám mất dần ưu thế trên thị trường thời trang. Đại diện Hiệp hội Xường xám Hong Kong, cho biết: “Ngày nay, kỹ thuật may xường xám đang có nguy cơ thất truyền. Đó là điều đáng tiếc vì xường xám Hong Kong phát triển phong cách và truyền thống riêng trong thế kỷ qua, kết hợp kỹ năng cắt may hiện đại của phương Tây. Mặc dù bây giớ rất ít người mặc và quan tâm đến xường xám, song trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo tồn, bất kể xường xám đã trở nên ít phổ biến đến mức nào, vì đây là một phần văn hóa của chúng tôi".
Những bức ảnh treo trên tường bên ngoài xưởng may của nghệ nhân may xường xám Ân Gia Vạn ở Cửu Long (Hong Kong)
Kỹ thuật may xường xám đã được công nhận là một phần di sản văn hóa của Hong Kong và Trung Quốc nhưng ông Ân Gia Vạn vẫn bi quan vào tương lai: “Có thể nói, nghề này đang suy tàn, các nghệ nhân không có nhiều cơ hội để truyền lại kinh nghiệm cho lớp trẻ, đơn giản vì hiện nay không thể kiếm sống bằng nghề, do xường xám không còn là xu hướng nữa. Tôi cũng nhận một số đệ tử và tham gia giảng dạy tại một Trung tâm đào tạo nghề gần xưởng của mình, tuy nhiên, đệ tử hay học viên của tôi còn rất lâu mới có đủ tay nghề để phục vụ khách hàng. Đó là chưa kể đến việc đơn đặt hàng bây giờ thường đến từ khách hàng lớn tuổi- họ cần trang phục sang trọng để xuất hiện trong đám cưới con cái họ- mỗi chiếc xường xám như vậy phải mất nhiều tuần lễ để hoàn thành và có giá lên tới vài nghìn đô-la Hong Kong. Nhưng hãy nghĩ xem, còn bao nhiêu khách hàng như vậy nữa và mỗi tháng có thể làm được bao nhiêu tác phẩm tỉ mỉ? Thời của chúng tôi đã qua rồi”.
Tùng Anh (Theo Oriental Sunday)