BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3338/BHXH-TT, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường truyền thông chính sách BHXH, BHYT các tháng cuối năm 2024.
Theo Công văn, BHXH Việt Nam ghi nhận nỗ lực của BHXH các tỉnh, thành phố (gọi chung là BHXH tỉnh) trong 9 tháng đầu năm 2024, nhất là đã tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, triển khai hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo đúng tinh thần Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Qua đó, đã tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của cả hệ thống chính trị; giúp cử tri và nhân dân ngày càng hiểu sâu sắc, yên tâm, tin tưởng vào các chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước; đồng thời tăng tính chủ động trong việc tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT...
Để cùng toàn ngành BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2025), BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung chính trong những tháng cuối năm 2024.
Cụ thể như: Tiếp tục bám sát tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 7/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, đề nghị BHXH các tỉnh chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù kinh tế-xã hội địa phương, nhằm hoàn thành và đạt kết quả cao nhất.
Tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam và văn bản của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của 63 tỉnh, thành phố về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, BHXH các địa phương đẩy mạnh công tác tham mưu, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở (cấp huyện, xã); cùng các sở, ban ngành, cơ quan thông tấn, báo chí. Phát huy vai trò của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT địa phương trong truyền thông, vận động người tham gia, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó trong chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông. Tích cực triển khai các đợt truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Cụ thể như: Chủ động lựa chọn các nội dung triển khai các đợt truyền thông cao điểm phù hợp với đặc thù địa phương; truyền thông những điểm mới của Luật BHXH 2024 và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT… Tập trung rà soát, triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hình thức truyền thông hiệu quả tại địa phương.
Cần phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên truyền thông; huy động sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ UBND xã, nhất là đội ngũ công chức Văn hóa-Xã hội, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, Trưởng bản trong công tác truyền thông, vận động, phát triển người tham gia và duy trì số người tái tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Triển khai các đợt kêu gọi, vận động các đơn vị, cá nhân làm công tác thiện nguyện trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…
Yêu cầu BHXH các địa phương chủ động, thường xuyên kiểm soát, nắm bắt thông tin về tình hình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, cùng các thông tin, kiến nghị, đề xuất của người dân trên địa bàn để kịp thời lựa chọn các giải pháp truyền thông, giải đáp thông tin phù hợp, hiệu quả.
Thái An