Tỷ lệ thu nhập từ lao động toàn cầu tiếp tục giảm sút, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.
Trong báo cáo "Cập nhật Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Tháng 9 năm 2024", Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết tỷ lệ thu nhập lao động toàn cầu tiếp tục giảm khiến cho bất bình đẳng gia tăng và đặt ra thêm nhiều thách thức cho Các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
ILO đề cập tình trạng lao động giản đơn ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi và khoảng cách ngày càng lớn giữa nguồn cung ứng lao động trẻ mới tốt nghiệp và số lượng công việc phù hợp mà họ có thể đảm nhận. Tổ chức này cũng phản ánh tỷ lệ lớn thanh niên không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo bài bản. Đặc biệt, tỷ lệ nữ thanh niên không có việc làm, không được giáo dục hoặc không đào tạo ở mức 28,2% trên toàn cầu năm 2024, cao hơn gấp đôi so với nam thanh niên.
Trước đó, trong báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2024 (GET for Youth) phát hành nhân Ngày Thanh niên quốc tế (12/8), ILO cho biết, tuy triển vọng thị trường lao động toàn cầu của thanh niên đã được cải thiện trong 4 năm qua và dự kiến tiếp diễn trong 2 năm tới, rất nhiều lao động trẻ đang phải làm các công việc phi chính thức. Khả năng tìm được việc làm thỏa đáng vẫn chưa được cải thiện. Chỉ ở các nền kinh tế có thu nhập cao và trung bình cao hơn, phần lớn lao động trẻ mới có một công việc ổn định và thường xuyên, trong khi 3/4 lao động trẻ ở các quốc gia có thu nhập thấp phải làm những công việc tự tạo hoặc tạm thời.
Theo báo cáo mới nhất của ILO, tỷ lệ thu nhập từ lao động toàn cầu, thể hiện phần tổng thu nhập của người lao động đã giảm 0,6 điểm phần trăm trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022 và từ đó vẫn giữ nguyên, làm trầm trọng thêm xu hướng giảm kéo dài. "Nếu tỷ trọng này giữ ở mức như hồi năm 2004, thu nhập từ lao động sẽ tăng thêm 2,4 nghìn tỷ USD chỉ riêng trong năm 2024", ILO đánh giá.
Báo cáo chỉ ra đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này, với gần 40% mức giảm trong tỷ lệ thu nhập từ lao động xảy ra trong những năm đại dịch, từ 2020 tới 2022. Cuộc khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện hữu, đặc biệt là khi thu nhập từ vốn tiếp tục tập trung vào những người giàu nhất, làm suy yếu tiến trình đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 10, mục tiêu hướng tới giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ, bao gồm tự động hóa, đã và đang đóng vai trò quan trọng. Mặc dù những đổi mới thúc đẩy năng suất và sản lượng nhưng bằng chứng cho thấy người lao động không được chia sẻ công bằng từ những lợi ích thu được.
ILO cảnh báo, nếu không có các chính sách toàn diện, tình trạng bất bình đẳng có thể trầm trọng hơn, khiến việc đạt được các SDG trở nên khó khăn hơn trong khi thời hạn năm 2030 đang đến gần.
"Các quốc gia phải hành động để chống lại nguy cơ suy giảm tỷ lệ thu nhập từ lao động. Chúng ta cần các chính sách thúc đẩy phân chia các lợi ích kinh tế công bằng để đạt được tăng trưởng toàn diện và xây dựng con đường phát triển bền vững cho tất cả mọi người", Phó Tổng giám đốc ILO Celeste Drake kêu gọi trong bản báo cáo.
Hoàng Dương