Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, BHXH Việt Nam đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020 (Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 23/7/2013) theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Bên cạnh đó, đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định mới; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Việc thực hiện chính sách trong giai đoạn này cũng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy đã có văn bản tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo triển khai chính sách BHXH, BHTN, BHYT; yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành cùng phát huy trách nhiệm, phối hợp với cơ quan BHXH trong thực hiện chính sách để đạt được những mục tiêu theo định hướng của Đảng; kịp thời giải quyết những khó khăn, tồn tại trong công tác của BHXH các địa phương…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Độc Lập hạng Nhì cho BHXH Việt Nam năm 2010
Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Ngành triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng; thực hiện Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tham mưu ký kết các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp công tác với các bộ, ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT và các luật liên quan; lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với mục tiêu trong từng giai đoạn, từng năm và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm tạo sự đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Để triển khai kịp thời các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để các đơn vị, địa phương có căn cứ thực hiện. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là nền tảng để từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm trong thực hiện chính sách.
Ngoài việc tổ chức và phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn; biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền trên báo, tạp chí của Ngành, BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương còn thí điểm các hình thức truyền thông hướng đến cơ sở như hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp theo các nhóm đối tượng. Nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào những điểm mới, nổi bật, làm rõ tính nhân văn, nhân đạo, cộng đồng chia sẻ cũng như trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, nhất là những chính sách mới như BHXH tự nguyện (thực hiện từ năm 2008), BHTN (thực hiện từ năm 2009); lộ trình mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT theo quy định… BHXH Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác này để giúp lan tỏa chính sách BHXH, BHYT đến các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, toàn Ngành chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và từng bước ứng trong các quy trình, nghiệp vụ. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để Ngành triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/1/2007 (Đề án 30) và những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, ngày 10/8/2009, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-BHXH công bố 263 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành. Đây là lần đầu tiên các lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam được quy định rõ ràng về thành phần hồ sơ, cách thức thực hiện và thời hạn giải quyết…, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan BHXH.
Đến năm 2011, BHXH Việt Nam tiếp tục có thêm bước đột phá, đó là triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính về BHXH, BHYT theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Để thực hiện mô hình này, Ngành đã xây dựng các nguyên tắc, quy trình cụ thể để vừa đảm bảo công khai, minh bạch, vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Mọi hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân đều chỉ nộp và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh/BHXH huyện theo phân cấp quản lý, sau đó chuyển Phòng/bộ phận nghiệp vụ xử lý... Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cũng được triển khai tại tất cả cơ quan BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng lao động và hàng chục triệu người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHTN, BHYT.
Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 9/12/2010 của Chính phủ, toàn Ngành tiếp tục chủ động, tập trung rà soát và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính tại các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Từ 263 thủ tục hành chính được công bố vào năm 2009, đến tháng 10/2012 số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành đã được cắt giảm xuống còn 115 và đến tháng 11/2015 giảm xuống chỉ còn 33 thủ tục. Các nội dung về cải cách thủ tục hành chính mà BHXH Việt Nam đề xuất cũng đã được tiếp thu và đưa vào Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014. Với những nỗ lực này, đến năm 2014, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH đã giảm khoảng 100 giờ so với trước đây, giảm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí thực hiện, vượt yêu cầu đề ra.
Đặc biệt, chỉ sau chưa đầy 6 tháng chuẩn bị, ngày 18/5/2015, BHXH Việt Nam đã chính thức khai trương, đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử của Ngành để thực hiện quản lý nghiệp vụ và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT. Đây cũng là một trong những giải pháp để Ngành hiện thực hóa mục tiêu giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH xuống còn 49,5 giờ vào cuối năm 2015, ngang bằng với các nước ASEAN 6 và tiếp tục giảm để bằng với các nước ASEAN 4 theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong giai đoạn này, hoạt động kiểm tra của cơ quan BHXH các cấp đã từng bước đi vào nề nếp; số đơn vị được kiểm tra trải đều từ cấp tỉnh, huyện đến đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh BHYT, đại lý thu và đại diện chi trả...
Để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong giai đoạn này, BHXH Việt Nam đã mở rộng và duy trì quan hệ hợp tác thường xuyên với gần 40 tổ chức, nhà tài trợ, tổ chức an sinh xã hội trên khắp thế giới. Trong đó có 22 tổ chức an sinh xã hội tại các quốc gia ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Pháp, Hoa Kỳ, Phần Lan, Nga, Ucraine... Tích cực và chủ động tham gia các diễn đàn an sinh xã hội trong khu vực và thế giới, các diễn đàn tài chính và đầu tư quỹ an sinh xã hội, học tập kinh nghiệm thực tiễn quốc tế góp phần xây dựng năng lực cán bộ, nâng cao vị thế quốc tế của BHXH Việt Nam. |
Những nỗ lực trên của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc nhanh chóng đưa Luật BHXH, Luật BHYT vào cuộc sống, từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Nếu như năm 2006 cả nước có trên 6,29 triệu người thuộc gần 127.000 đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc, thì đến năm 2011, lần đầu tiên số người tham gia đã vượt mốc 10 triệu; đến năm 2015 cả số lao động và số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc đã tăng gấp đôi so với năm 2006 (đạt hơn 12 triệu lao động và hơn 284.000 đơn vị). Đến cuối năm 2015, cả nước cũng đã có hơn 217.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 35 lần so với số người tham gia trong năm đầu tiên chính sách này được thực hiện (năm 2008, với 6.110 người). Tính chung, đến năm 2015, cả nước đã có gần 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 24,4% lực lượng lao động.
Cũng trong xu hướng phát triển trên, nếu trong năm đầu tiên thực hiện BHTN (năm 2009) cả nước có gần 6 triệu người tham gia, tương đương 13,3% lực lượng lao động, thì đến hết năm 2015 số tham gia BHTN đã đạt trên 10,3 triệu người, tương đương 20,5% lực lượng lao động.
Về BHYT, với những thay đổi của chính sách, nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và sự phối hợp của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, trong giai đoạn 2006- 2015, số người tham gia BHYT đã tăng từ 34,77 triệu người lên trên 68,46 triệu người, đưa tỷ lệ dân số tham gia BHYT từ 42% tăng lên 74,9%, vượt 4,9% so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, giai đoạn 2012-2015 và 2020.
Việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHTN, BHYT trong giai đoạn này đã tạo những tiền đề quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; đồng thời giúp số thu BHXH, BHTN, BHYT không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2006 số thu của toàn Ngành là 22.827 tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu 217.755 tỷ đồng, tăng 194.927 tỷ đồng.
Bên cạnh công tác thu, mở rộng diện bao phủ, cùng với việc ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh phân cấp và cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam cũng luôn bám sát để chỉ đạo BHXH địa phương tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết chính xác, kịp thời, đúng quy định các chế độ BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống NLĐ. Từ năm 2006 đến hết năm 2015, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 1,32 triệu người hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 6,15 triệu người hưởng các chế độ BHXH một lần và trên 50,67 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn; hơn 2,8 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 46.250 lượt hưởng chế độ hỗ trợ học nghề (chính sách BHTN được thực hiện từ năm 2009 và năm 2010 mới bắt đầu có người đủ điều kiện hưởng). Tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH, BHTN trong giai đoạn này là 840.365 tỷ đồng.
Cùng với đó, chính sách BHYT cũng tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thể hiện rõ qua số lượt khám chữa bệnh BHYT không ngừng tăng từ trên 60,7 triệu lượt vào năm 2006 lên hơn 130,17 triệu lượt vào năm 2015. Tính chung trong giai đoạn 2006-2015, ngành BHXH Việt Nam đã đảm bảo quyền lợi cho hơn 1,024 tỷ lượt khám chữa bệnh BHYT trong cả nước, với tổng chi phí hơn 240.350 tỷ đồng (không bao gồm chi chăm sóc sức khỏe ban đầu, chi thanh toán trực tiếp, chi tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Giai đoạn này đánh dấu sự phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách và pháp luật về BHXH, BHTN và BHYT, nhằm xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững, bảo vệ tốt hơn người dân nói chung, người lao động nói riêng.
Nếu như trong giai đoạn 1995- 2005, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt Điều lệ BHXH và Điều lệ BHYT, qua đó khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT là hoàn toàn đúng đắn, thì những nỗ lực của toàn Ngành trong giai đoạn 2006- 2015 đã góp phần quan trọng trong việc đưa Luật BHXH, Luật BHYT nhanh chóng đi vào cuộc sống. Những kết quả đạt được trong giai đoạn này đã giúp mục tiêu BHXH cho mọi người lao động từng bước trở thành hiện thực; việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân cũng có những bước tiến dài và vững chắc… Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đã đánh giá: “công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị- xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm; thực hiện việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Quỹ BHXH được hình thành, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu chi và có kết dư. Hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam được hình thành và phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT…”.
Bên cạnh đó, để phục vụ số lượng người tham gia ngày càng tăng, BHXH Việt Nam cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các hoạt động nghiệp vụ; triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo định hướng của Chính phủ, giảm được hàng trăm thủ tục, cắt giảm hàng trăm giờ thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH cho doanh nghiệp mỗi năm, giảm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí thực hiện thủ tục hành chính, vượt yêu cầu đề ra. Điều đó không chỉ mang đến nhiều thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động, người tham gia và thụ hưởng chính sách, mà còn góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo tiền đề quan trọng để Ngành thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt theo Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020…