Sáng nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh cấp mầm non, phổ thông trong cả nước đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Lễ khai giảng được tổ chức theo tinh thần gọn nhẹ, trang trọng và tươi vui.
Năm học 2024-2025, Thủ đô Hà Nội có gần 2,3 triệu học sinh các cấp. Chia vui ngày tựu trường trên địa bàn Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu- ngôi trường đặc biệt nuôi dạy trẻ em khuyết tật của thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia vui với các em học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu
Hiện nay, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó chú trọng phát triển năng khiếu và sở thích của học sinh khiếm thị, tổ chức các lớp hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khuyết tật, các lớp dạy kỹ năng giúp học sinh khuyết tật hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Về dự Lễ khai giảng năm học mới đầy ý nghĩa tại ngôi trường đặc biệt mang tên một nhà thơ yêu nước, giàu lòng nhân ái, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng vui mừng được biết, trong gần 42 năm trưởng thành và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu luôn phấn đấu thực hiện mục tiêu “Trường học chất lượng cao- Hiệu quả hàng đầu trong công tác dạy học hòa nhập của cả nước”.
Đặc biệt, Thủ tướng vô cùng ấn tượng với những thành tích xuất sắc mà các em học sinh khiếm thị đã đạt được. “Các cháu thực sự là những tấm gương sáng của sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, gian khổ và hạn chế cơ thể để đạt được những thành tích rất đáng tự hào, không ngừng làm rạng danh mái trường mang tên danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu
Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng toàn ngành Giáo dục về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm học vừa qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể- thầy cô giáo là động lực- nhà trường làm bệ đỡ- gia đình là điểm tựa- xã hội là nền tảng”.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục kiến tạo các yếu tố nền tảng cho phát triển giáo dục, đào tạo, tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, thúc đẩy xã hội học tập, đặc biệt là điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm học 2024-2025.
Trong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày tựu trường, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, toàn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn, chất lượng tốt hơn trong năm học mới 2024-2025.
Tại Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ khai giảng với các thầy giáo, cô giáo và hơn 1.570 học sinh của Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Đây là ngôi trường được vinh dự mang tên cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng- Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh trống khai trường tại Trường THPT Phạm Hùng
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ "một năm học mới đã bắt đầu với nhiều niềm vui và thử thách mới". Theo Chủ tịch Quốc hội, chặng đường 3 năm THPT có ý nghĩa rất quan trọng, ghi dấu sự trưởng thành về mọi mặt của học sinh.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội mong các em “sẽ có nhiều niềm vui, động lực trong học tập; không ngừng nỗ lực, phấn đấu rèn luyện theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại và tấm gương Bác Hai Phạm Hùng của quê hương Vĩnh Long; đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; chuẩn bị đầy đủ hành trang tri thức, kỹ năng, định hướng nghề nghiệp, với những hoài bão lớn để hành trình lập nghiệp trong tương lai sắp tới; đền đáp công ơn sinh thành của bố mẹ, công lao dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo”.
Với các thầy giáo, cô giáo, Chủ tịch Quốc hội mong mỗi thầy cô sẽ là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hết mực yêu thương, dạy dỗ tận tình học sinh.
Lưu ý năm học 2024-2025 là năm đầu thực hiện Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, sớm ban hành hướng dẫn, tổ chức tập huấn về kỳ thi, tạo điều kiện tốt nhất cho các em thí sinh và gia đình.
Liên quan kế hoạch triển khai năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau 4 năm, năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối của các cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới, đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.
Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Dự kiến, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá. Do đó, các Sở GD-ĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này; đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức. “Bộ GD-ĐT đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học mới 2024-2025” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Hà Thủy