Chiều 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Dược nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dược; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm cung ứng thuốc kịp thời, có chất lượng cho nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình TTHC, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị.
Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Tán thành cao với quy định về xử lý các mẫu thuốc vi phạm chất lượng, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu rõ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 65 Luật Dược, các mẫu thuốc vi phạm chất lượng ở tất cả các mức độ đều được báo cáo kết quả về Bộ Y tế để xử lý và ra quyết định thu hồi. Quy định này giúp Bộ Y tế nắm được tổng thể việc vi phạm chất lượng trong cả nước. Mặc dù vậy, quy định này yêu cầu Bộ Y tế phải tiến hành xử lý số lượng báo cáo rất lớn và trong thời gian rất ngắn (trong vòng 24 giờ kể từ khi báo cáo của các Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh, thành phố gửi đến), dẫn đến quá tải cho Bộ Y tế, một số trường hợp không được xử lý kịp theo thời gian quy định khiến chậm thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn.
Mặt khác, việc ban hành, thu hồi thuốc thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, nhưng trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở vi phạm trên địa bàn vẫn thuộc trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố. Vì thế, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, song Bộ Y tế cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, có giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các Trung tâm Kiểm nghiệm tại các tỉnh để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện luật.
ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An)
Còn ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử là phù hợp với tình hình thực tế, bởi thời đại hiện nay là thời đại CNTT phát triển, giao dịch trên nền tảng điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng.
Đại đa số người dân có những triệu chứng bệnh lý thông thường như nhức đầu, đầy hơi, đau bụng, mẩn đỏ... thường tự ý mua thuốc điều trị rất dễ dàng và thuận lợi mà không phải đến cơ sở y tế KCB hay cần có đơn thuốc của bác sĩ. Do đó, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc, nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời, phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, ĐB Lê Văn Cường (Thanh Hóa) cho biết, Khoản 5, Điều 1 Dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7 Luật Dược 2016. Trong đó, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên, hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; ưu đãi đầu tư, tài chính, đấu thầu; chính sách thuế; hồ sơ thủ tục; phân phối; đào tạo nhân lực...
ĐB Lê Văn Cường (Thanh Hóa)
Song, để bảo đảm tính khả thi, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ này cần được quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ để được thụ hưởng các ưu đãi, hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay tại Luật Dược hiện hành cũng như dự thảo Luật đang xây dựng lại chưa quy định chi tiết các chính sách này hoặc chưa có dẫn chiếu tới quy định của các Luật khác có liên quan. Do vậy, rất cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết.
Đối với các quy định liên quan tới hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Dự thảo Luật có quy định bổ sung hình thức kinh doanh dược là chuỗi nhà thuốc. Theo đó, Khoản 47 Điều 2 bổ sung thêm việc giải thích về hình thức này như sau: “Chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do DN tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra”.
“Thực tế việc kinh doanh dược có thể được tiến hành bởi nhiều loại chủ thể khác nhau như: Các DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình và các cá nhân. Như vậy, việc kinh doanh dược không chỉ có các DN và việc kinh doanh chuỗi nhà thuốc cũng không thể chỉ là các DN. Quy định như Dự thảo Luật có thể làm giới hạn quyền kinh doanh của một số chủ thể khác khi họ đáp ứng đủ các điều kiện luật định và gián tiếp giới hạn việc tiếp cận thuốc của người dân. Do đó, cần xem xét sửa đổi lại cụm từ “DN tổ chức chuỗi nhà thuốc” thành “cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc” để vừa bảo đảm tính thống nhất trong cách sử dụng từ ngữ của luật, đó là “cơ sở kinh doanh dược” vừa bảo đảm tính chính xác và bao quát đối với các chủ thể kinh doanh”- ĐB Cường nêu rõ.
ĐB Lê Văn Cường cũng đánh giá, việc Dự án Luật bổ sung quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hết sức cần thiết. Điều này vừa hướng tới việc luật hóa để điều chỉnh các vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định pháp lý, vừa bảo đảm quyền tiếp cận thuốc của người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với sự đa dạng trong lựa chọn. Tuy nhiên, việc kinh doanh dược nói chung và kinh doanh thuốc nói riêng là mặt hàng hết sức đặc thù, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân. Đối với kinh doanh dược thông thường đã có những quy định hết sức chặt chẽ, thì với kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử càng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, đặc thù hơn.
Vũ Thu