Ngày 1/12, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo giới thiệu về Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là lần thứ 6 Festival ngành hàng lúa gạo diễn ra và là lần đầu tiên được nâng quy mô trở thành một Festival ngành hàng quốc tế. Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Sự kiện cũng nhằm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023, góp phần to lớn trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26.
Ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo năm nay có sự tham gia của quan chức Bộ Nông nghiệp một số nước trên thế giới, với khoảng 200 đại biểu quốc tế tham dự và có phát biểu, tham luận tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Qua chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia lúa gạo hàng đầu trong và ngoài nước, tỉnh Hậu Giang tin tưởng sẽ giúp ích trong việc đưa ra giải pháp, đề xuất cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiến thêm những bước phát triển bền vững.
Festival được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các địa phương, DN, người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất và công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đang ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Từ đó, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng xu thế quốc tế mới.
Cũng tại Festival, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án là một sự kiện quan trọng đối với ngành hàng lúa gạo, nông dân trồng lúa cả nước nói chung và nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Theo kế hoạch, Đề án này được thí điểm ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như ở khu vực và trên thế giới về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa. Dự kiến, tại Festival, BTC sẽ mời Tổ chức Guiness Việt Nam xác lập 3 kỷ lục Việt Nam: Sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; con đường lúa gạo Việt Nam; bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.
Sông Trà