Báo cáo của Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN Women) và Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (United Nations Office on Drugs and Crime, UNODC).
Ngày Quốc tế Loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ được ấn định vào ngày 25/11 hằng năm- đây là ngày do LHQ khởi xướng, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức xã hội về việc loại bỏ bạo hành đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Theo đó, LHQ “kêu gọi các Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để “tuyên chiến” với việc bạo hành dưới nhiều hình thức với phụ nữ như mại dâm, lạm dụng tình dục, du lịch tình dục, cưỡng hiếp, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (hủ tục), bạo hành trong gia đình, tảo hôn...”.
Năm nay, nhân Ngày Quốc tế Loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ, Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN Women) cùng Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (United Nations Office on Drugs and Crime, UNODC) phối hợp công bố một báo cáo, nhấn mạnh thông tin năm 2023 vừa qua, khoảng 51.100 phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới bị chồng, bạn trai, thành viên trong gia đình sát hại- tăng 48.800 người so với năm 2022: “Sự gia tăng này chủ yếu là do báo cáo thu thập được nhiều dữ liệu hơn từ các quốc gia, chứ không hẳn là có nhiều vụ sát hại hơn. Tuy nhiên, có một sự thật là phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi- không loại trừ khu vực nào- vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hình thức bạo lực giới cực đoan. Hay nói cách khác, nhà là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Theo Báo cáo, năm 2023, số phụ nữ và trẻ em gái bị sát hại cao nhất là ở châu Phi, ước tính có 21.700 nạn nhân. Châu Phi cũng là châu lục có số nạn nhân cao nhất so với quy mô dân số, 2,9 nạn nhân/100.000 người. Tiếp đó là châu Mỹ, 1,6 nạn nhân/100.000 người; châu Đại Dương, 1,5 nạn nhân/100.000 người; châu Á, 0,8 nạn nhân/100.000 người và Châu Âu, 0,6 nạn nhân/100.000 người.
"Năm 2023, ước tính 80% nạn nhân bị sát hại là đàn ông, 20% là phụ nữ. Nhưng tỷ lệ bị sát hại bởi bạn tình hay thành viên trong gia đình của phụ nữ cao hơn nhiều so với đàn ông, tương đương 60%. Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn tình trạng sát hại phụ nữ và trẻ em gái của các Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tình trạng này vẫn ở mức báo động cao. Tuy nhiên, sát hại thường là hành động đỉnh điểm của nhiều đợt bạo lực giới lặp đi lặp lại, điều này có nghĩa là việc này có thể ngăn ngừa được, thông qua các biện pháp chủ động từ phía nạn nhân, cũng như việc can thiệp kịp thời và hiệu quả của người xung quanh, cộng đồng, xã hội"- Báo cáo phân tích.
Tùng Anh (Theo LHQ)