Hy Lạp vừa ký một thỏa thuận năng lượng sạch với EU nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Theo đó, EU và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (European Investment Bank, EIB) tài trợ 1,6 tỷ Euro (tương 1,67 tỷ USD) cho các dự án khử cacbon (decarbonisation, thuật ngữ dùng để chỉ việc loại bỏ hoặc giảm lượng phát thải khí carbon dioxide (CO2) vào khí quyển-ND) và giải quyết tình trạng thiếu nước sạch do biến đổi khí hậu gây ra hạn hán.
Các đảo của Hy Lạp hiện phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch lỏng để cung cấp điện, gây ảnh hưởng đến môi trường và làm tăng chi phí năng lượng. Dự án của EU và EIB sẽ tận dụng gió và ánh sáng mặt trời- nguồn sẵn có của thiên nhiên để chuyển đổi thành năng lượng sạch với chi phí phải chăng.
Hy Lạp, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quá trình nóng lên toàn cầu ở khu vực Địa Trung Hải, đã trải qua mùa hè nóng như thiêu đốt và cháy rừng thảm khốc. Trên nhiều hòn đảo của quốc gia này, người dân phải chịu tình trạng thiếu nước và hạn hán kéo dài. Mặc dù vậy, việc hạn chế tua-bin gió cũng đang gia tăng như ở một số quốc gia châu Âu khác.
Bên cạnh đó, các nhóm bảo vệ môi trường lên tiếng cảnh báo về tình trạng quá tải du lịch, đặc biệt là ở Cyclades- nơi nổi tiếng với nước biển trong vắt và những ngôi làng đẹp như tranh vẽ. Naxos, nằm phía Nam Mykonos và phía Đông Paros ngày càng trở nên nổi tiếng với khách du lịch; song năm ngoái, đảo chỉ có 270mm mưa, thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước là 306mm. Về quyền tự chủ năng lượng, đến nay, Hy Lạp vẫn ưu tiên các đảo nhỏ, xa và hạn chế về kết nối, như Chalki ở phía Đông Nam, nơi chỉ có một nhà máy điện mặt trời.
Điện năng trên đảo Tilos của Dodecanese gần như hoàn toàn đến từ năng lượng tái tạo, nhờ khoản đầu tư 11 triệu euro từ EU và 4 nhà đầu tư tư nhân Hy Lạp. Tháng trước, Hy Lạp đã công bố các mục tiêu năng lượng mặt trời và gió, trong nỗ lực đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp Theodoros Skylakakis, Chính phủ đặt mục tiêu đạt 82% thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện vào năm 2030, tăng so với mức 66% đã đưa vào kế hoạch từ năm 2019.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh COP29 ở Baku đầu tháng 11/2024, Hy Lạp tuyên bố đang nỗ lực giảm 58,6% lượng khí thải vào năm 2030. Hiện Hy Lạp đã giảm được 45% lượng khí thải so với năm 2005, năng lượng gió và mặt trời đáp ứng "gần một nửa nhu cầu điện của quốc gia", trong khi nguồn năng lượng từ than non gây ô nhiễm cao hiện chỉ còn 6%.
Tùng Anh (Theo Naxos News)