Cho ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chiều 24/9, Ủy ban TVQH đề nghị, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn từ NSNN để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ cho các Trung tâm DVVL. Đồng thời, Luật hướng đến mọi NLĐ cũng được thụ hưởng chính sách…
Bổ sung đối tượng tham gia BH thất nghiệp
Trình Dự án Luật, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc sửa đổi luật cần thiết để đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, Cách mạng Công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật là tạo điều kiện thuận lợi để tất cả NLĐ, trong đó có nhóm lao động không có quan hệ lao động, được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ. Đáng chú ý, Dự thảo Luật lần này mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp (Điều 81) gồm: NLĐ có giao kết HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật BHXH năm 2024.
Đồng thời, quy định linh hoạt mức đóng BH thất nghiệp (Điều 83) theo hướng: NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người SDLĐ đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. “Luật cũng sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho NLĐ trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp”- ông Dung nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật. Vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh, làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này. Liên quan quy định về BH thất nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp.
Tránh gây phiền hà cho NLĐ
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý “cần rà soát lại các quy định này có gây phiền hà cho NLĐ không, đăng ký thì thực hiện như thế nào. Chúng ta đã thực hiện ứng dụng số rồi, cần nghiên cứu để quy định cho thiết thực, đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, ủng hộ đề xuất của cơ quan thẩm tra về việc bổ sung đối tượng hỗ trợ tham gia đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là dân quân thường trực (sau khi hoàn thành nhiệm vụ thường trực). Bên cạnh thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện, việc bổ sung thêm đối tượng này là hoàn toàn phù hợp. Đồng tình với việc có quy định phát triển trung tâm tư vấn dịch vụ việc làm, song Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ Trung tâm Tư vấn dịch vụ việc làm công như thế nào và tư như thế nào, tránh tình trạng hoạt động lộn xộn như thời gian vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến Luật Việc làm (sửa đổi) là Luật hết sức quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật được Ủy ban TVQH thông qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá liên quan đến thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật Việc làm trước đây có hơn 60 điều, trong khi Luật mới có 130 điều, tăng trên 200% so với Luật cũ, do đó “nên cân nhắc lược bớt những gì là nghị định, thông tư” để Luật được “gọn, rõ”. “Cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung dự thảo luật với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo BHXH, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh chồng chéo và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là Dự án Luật rất khó. Sau Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Luật Việc làm là hai dự án luật nòng cốt, làm xương sống định hình sự phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, bền vững, hội nhập.
Luật Việc làm (sửa đổi) đã có một số vấn đề quan trọng được sửa đổi. Cụ thể, về đối tượng đã bao quát được cả hai nhóm: Người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động. Vấn đề này rất khó vì chúng ta chưa thiết kế được chính sách đối với người chưa có quan hệ lao động. “Vấn đề việc làm hiện nay rất khác khi một người có thể ký hợp đồng, có quan hệ lao động với nhiều tổ chức, nhiều đối tượng khác nhau. Tính chất việc làm hiện nay có sự thay đổi lớn. Trước đây, một người có thể làm bền vững, suốt đời ở một cơ quan còn bây giờ vừa ký HĐLĐ với một đơn vị nhưng tháng sau đã có thể nhảy sang nơi việc khác, chỉ vì lý do đơn giản. Nói cách khác, chưa bao giờ tình trạng người nhảy việc nhiều như hiện nay, nhân lực thay đổi liên tục ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị. Do đó, chúng tôi đang suy nghĩ để thiết kế lại nội dung điều chỉnh với vấn đề này”- ông Dung phân tích.
V.Thu