Cử tri và nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại, mất mát về người, tài sản tại nhiều địa phương và đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả cơn bão...
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2024 tại phiên họp của Ủy ban TVQH chiều 12/9, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại, mất mát về người và tài sản tại nhiều địa phương; đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại và thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão.
Đồng thời, cử tri bày tỏ đồng tình với Chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Đây là hoạt động thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của người Việt Nam, là sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân vùng bị bão lũ, thiên tai.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Tám của Quốc hội, kết quả Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6 và hoạt động chất vấn của Ủy ban TVQH về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị, làm rõ hơn nội dung báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; đồng thời, bổ sung kiến nghị về các giải pháp phòng chống, ứng phó với thiên tai. Chính quyền các địa phương cần có những khuyến nghị, cảnh báo sớm, chi tiết, cụ thể về những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai; xem xét các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, quan tâm hơn nữa tới các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ người dân trước ảnh hưởng của thiên tai.
Quan tâm đến tình trạng bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp thời gian gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em và đã có những kiến nghị rất chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Ủy ban TVQH giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiến hành giám sát lại việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và báo cáo Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, 8 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đồng thời, xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng. Trong đó, nhóm hành vi bạo hành trẻ em chiếm 12%, còn lại là xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, thực trạng đáng báo động hiện nay là có tới 60% các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em là do người thân, người quen trong gia đình, hoặc có mối quan hệ mâu thuẫn cá nhân gây ra. Gần đây, các vụ việc xảy ra có xu hướng gia tăng trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân, tái hôn hoặc trong những gia đình mà bố mẹ có thời gian dài bỏ mặc, không chăm sóc trẻ em… Các địa phương có số vụ xâm hại, bạo hành xảy ra nhiều như: Hà Nội, Thái Bình, Hoà Bình, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk...
Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, ngay sau khi nhận được tin, Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo Công an TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp là Công an Quận 12 vào cuộc. Hiện nay, Công Quận 12 đã thụ lý, giải quyết tin báo tội phạm theo thẩm quyền. Sau khi có kết quả, Công an sẽ kịp thời thông tin cho dư luận.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, Bộ Công an đã có Công điện chỉ đạo 63 công an địa phương đề nghị Sở LĐ-TB&XH tại 63 địa phương trên cả nước khẩn trương rà soát, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em kể cả công lập và ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở trông giữ trẻ em từ thiện tự phát trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan đến các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; chú trọng mở rộng các nguồn tin báo tố giác tội phạm từ các cơ quan báo chí, người dân, cơ quan tổ chức để xác minh, điều tra, xử lý kịp thời. Thông tin kịp thời kết quả giải quyết các vụ việc này đến các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các phương tiện truyền thông cấp cơ sở, nhất là về các thủ đoạn mới của loại tội phạm này nhằm nâng cao phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.
V.Thu