Sáng 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024. Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình MTQG; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo tháng 9. Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp cho thấy, về kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục đà phục hồi tích cực, nhìn chung kết quả tháng 8 cao hơn tháng 7 và tính chung 8 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với 10 nhóm kết quả nổi bật. Theo đó, tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ được thúc đẩy. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 8 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9,5% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 8,6%. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2024 đạt 52,4 điểm, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore).
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,9%; 8 tháng tăng 8,5%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,43 triệu lượt; tính chung 8 tháng đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (trước đại dịch COVID-19). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,85 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 21,7% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tăng 3,7% so với tháng 7 và 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%; xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính-ngân sách tiếp tục được cải thiện. Tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 90.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 40,49% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%- cao nhất trong 5 năm qua. Phát triển DN tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 8 có 13.400 DN đăng ký thành lập mới; tính chung 8 tháng có 168.100 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 12,5% so với cùng kỳ (cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 135.200 DN).
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân và quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ KH-ĐT, các bộ, ngành và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các thành viên Chính phủ, các đại biểu dự họp; giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong những ngày tới.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ lớn: Tập trung tháo gỡ về pháp lý; triển khai 3 đột phá chiến lược (gồm thể chế; hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao); chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV; chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan tới giáo dục, y tế, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, khai giảng năm học mới, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội, triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, ứng phó thiên tai để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói, bị rét; kiện toàn nhân sự các thành viên Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, DN, xóa bỏ cơ chế xin - cho; xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.
Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế-xã hội đã đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, mục tiêu lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cơ bản đạt được; có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2024 trong bối cảnh khó khăn.
Đồng thời, an sinh xã hội đươc bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập và không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên, mở ra những cơ hội mới trong phát triển đất nước.
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, song Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; những dự án tồn đọng cần giải quyết nhanh hơn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có giải pháp nâng cao hơn; huy động và sử dụng các nguồn lực cần hiệu quả hơn; nỗ lực hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; công tác thông tin truyền thông cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu ứng truyền thông.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương “đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa”; chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý các vấn đề phát sinh và triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, của cấp trên, bám sát tình hình, phản ứng chính sách phù hợp, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt, cần tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Đáng chú ý, về an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ kịp thời, không để một người dân nào bị đói, bị rét. Thực hiện hiệu quả, thực chất phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Riêng Bộ Nội vụ cần phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát các đối tượng trong phạm vi quản lý nhà nước (nhất là với một số đối tượng công chức, giáo viên mầm non, viên chức trong lĩnh vực y tế) để bảo đảm chính sách hài hòa, cân đối, phù hợp sức lao động, trong tổng thể chung về cải cách tiền lương.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ tập trung chuẩn bị, rà soát, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị kỹ các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV. Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng.
PV