Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2024- 2025 do Top CV (nền tảng công nghệ tuyển dụng) vừa phát hành cho thấy, thị trường lao động năm 2024 vẫn ghi nhận nhiều biến động đa chiều, song bước sang năm 2025, dự báo nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục “khát” nhân lực.
Nhiều ngành nghề chịu áp lực cắt giảm nhân sự
Theo báo cáo của Top CV, Non-IT (nhóm ngành nghề khác, không thuộc IT- Phần mềm) hiện đang duy trì công việc ở mức ổn định và chưa có nhu cầu thay đổi. Tỷ lệ này ở nhóm IT- Phần mềm là 35,66%. Điều này cho thấy một phần tương đối của lực lượng lao động không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi kinh tế hoặc tái cơ cấu. Hoặc đây là nhóm lao động cẩn trọng, không sẵn sàng thay đổi công việc trong thời kỳ được đánh giá là có nhiều biến động. Đây sẽ là nhóm ứng viên sẽ không tham gia vào thị trường tuyển dụng trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, tổng số lao động chủ động nghỉ việc và thuộc diện cắt giảm của nhóm Non-IT ở mức 53,3% và 51,34% với nhóm IT. Đây là một số liệu cho thấy thực trạng đầy thách thức của thị trường việc làm IT, dù được xem là một trong những nhóm ngành có sự tăng trưởng nóng trong 3 năm trở lại đây. Ngoài ra, tỷ lệ cắt giảm nhân sự cao cấp do các doanh nghiệp tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính trong năm 2023- 2024 cho thấy tác động của các yếu tố kinh tế toàn cầu và sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các công ty, đặc biệt là công ty công nghệ.
Trong khi đó, nhóm ngành giữ vững tính ổn định dẫn dầu là Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D), Nhân sự và Giáo dục. Tính ổn định trong công việc ở nhóm ngành R&D có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu không ngừng về đổi mới và cải tiến sản phẩm, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao. Các nhóm ngành như Nhân sự- Đào tạo và Phát triển hay Lương và Phúc lợi cho thấy mức độ tương đối ổn định, có thể phản ánh sự chú trọng ngày càng cao của doanh nghiệp vào việc thu hút và giữ chân nhân tài. Điều này tiếp lợi thế cho doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ ổn định, có năng lực thông qua các chương trình đào tạo, phát triển và chính sách đãi ngộ minh bạch, hiệu quả.
Báo cáo cũng cho thấy, ngành Giáo dục duy trì được tính ổn định cao nhờ vào nhu cầu luôn hiện hữu trong xã hội. Ngành Y tế và Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có cường độ công việc cao với nhiều nhân viên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và mệt mỏi. Ngành Marketing/Truyền thông/Quảng cáo có sự phân nhánh đa dạng, đều yêu cầu khả năng sáng tạo và sự nhạy bén với xu hướng mới, điều này phần nào tạo ra áp lực với nhân lực nhóm ngành này. Ngành Kinh doanh/Bán hàng là lĩnh vực có sự biến động cao, với yêu cầu về khả năng đáp ứng các chỉ tiêu doanh số và chịu áp lực lớn. Do đó, tỷ lệ thay đổi và rời bỏ công việc trong ngành này cũng thường xuyên diễn ra.
Ưu tiên các vị trí đặc thù để thích nghi với chiến lược kinh doanh
Theo Top CV, bước sang năm 2025, trước yêu cầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt, các doanh nghiệp tập trung vào việc tuyển dụng các vị trí đặc thù (cả tuyển mới và thay thế). Kinh doanh/Bán hàng là nhóm ngành “khát” nhân lực nhất trong 3 năm liên tiếp, đồng thời là nhóm đầu tiên trong kế hoạch tối ưu hoá nhân sự khi cần thiết. Điều này do trong năm 2024- 2025, việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tăng trưởng thị trường là điều cần thiết (65,2%). Và để hoàn thành mục tiêu này thì 47,6% đại diện đều lựa chọn Kinh doanh/Bán hàng sẽ là mục tiêu tuyển dụng ưu tiên của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm nhân viên từ 2- 3 năm kinh nghiệm (ưu tiên kế tiếp là nhân viên từ 1- 2 năm kinh nghiệm). Vì đây là nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu, mở rộng thị trường và thu hút khách hàng. Với quy mô càng lớn, doanh nghiệp cần nhiều nhân lực bán hàng để gia tăng sự hiện diện và tăng trưởng kinh doanh. Tiếp sau là nhóm IT- Phần mềm với nhu cầu tuyển dụng chủ yếu rơi vào nhóm ứng viên có ít nhất 2- 3 năm kinh nghiệm và các chuyên viên từ 3- 5 năm (12,2%); sau đó là các nhóm ngành khác như Marketing/Truyền thông/Quảng cáo (9,3%), Dịch vụ chăm sóc khách hàng (5,1%), Nhân sự (4%).
Theo khảo sát, thị trường tuyển dụng nhóm IT- Phần mềm trong năm 2024 vẫn còn tồn tại những khó khăn, chủ yếu đến từ nguồn cung ứng viên, tuy không hạn chế nhưng vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cao (55,03%). Ngoài ra, hiện tại các công ty thường cạnh tranh gay gắt và đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút các nhân sự nhóm này (49,7%) do đó việc giữ chân các nhân sự IT- Phần mềm thường gặp nhiều thách thức. Đồng thời, quy trình tuyển dụng đối với các vị trí này thường trải qua nhiều vòng phỏng vấn và bài kiểm tra chuyên môn, đặc biệt là về Kiểm tra mã nguồn (Code Testing) hay Thử thách thuật toán (Algorithm Challenges). Các công ty công nghệ thường chú trọng việc đánh giá năng lực kỹ thuật thực sự thông qua những bài test thực hành và phỏng vấn chuyên sâu về Kỹ năng chuyên môn kỹ thuật (Technical Skills), dẫn tới thời gian tuyển dụng cho nhóm ngành này kéo dài, nên đôi khi sự chậm phản hồi cũng là nguyên nhân bỏ lỡ các ứng viên tốt.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm Kinh doanh/Bán hàng là ưu tiên hàng đầu trong nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, 21,6% đại diện cho rằng nhóm này cũng sẽ là nhóm đầu tiên trong kế hoạch tối ưu hóa nhân sự khi cần thiết. Lý do chính đến từ nhu cầu thị trường thay đổi, ảnh hưởng đến các nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ, dẫn đến việc giảm nhu cầu về nhân sự (chiếm 52,34%). Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng nằm trong phạm vi ưu tiên tối ưu như Marketing/Truyền thông/Quảng cáo (9%) và Dịch vụ chăm sóc khách hàng (7,5%), khi các vị trí này có thể tái cấu trúc phạm vi công việc theo hướng đa nhiệm. Nhóm IT- Phần mềm (5,7%) thường có sự điều chỉnh nhân sự khi thị trường thay đổi nhu cầu về công nghệ.
Nguyệt Hà