Về tổng thể, thị trường tài chính Việt Nam 2023 có những điểm sáng, nhưng bước vào năm 2024 vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, điều quan trọng là cần điều hành chính sách tỷ giá ổn định, thực hiện chính sách tiền tệ kiểm soát được lạm phát, đóng góp cho tăng trưởng năm nay.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, trước những tiềm ẩn rủi ro, chúng ta cần nhận diện rõ và có giải pháp phù hợp để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, tiếp tục đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế.
TS.Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính-ngân hàng
* PV: Năm 2023 là một năm khó khăn đối với thị trường tài chính-tiền tệ. Vậy, ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ trong thời gian qua?
TS.Nguyễn Trí Hiếu:
Theo số liệu từ Bộ KH-ĐT, đến tháng 11/2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới triển khai được 873 tỷ đồng (gần bằng 2% kế hoạch). Như vậy, gói hỗ trợ đó không hoàn thành mục tiêu. Nguyên nhân là các DN được vay cần phải đáp ứng điều kiện rất ngặt nghèo như phải có báo cáo tài chính, có phương án hoạt động…
Trên thực tế, gói hỗ trợ này đã được triển khai từ năm 2022. Tuy nhiên, đến năm 2023, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận và doanh thu đều giảm, nên DN không đáp ứng điều kiện để được vay.
* Năm 2023, NHNN dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD, dự kiến năm 2024 sẽ đạt 110 tỷ USD. Theo ông, với mức dự trữ này, Việt Nam có đảm bảo hoạt động an toàn và đối phó được với các “cú sốc” từ bên ngoài?
- Theo chuẩn mực quốc tế, nếu dự trữ ngoại hối đảm bảo bao phủ 3 tháng nhập khẩu, thì điều đó là tốt. Năm 2023, dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD, trong khi nhập khẩu cả năm đạt 326 tỷ USD.
Làm phép tính 326 tỷ USD chia cho 12 tháng, nhân với 3, kết quả trung bình 81,5 tỷ USD. Như vậy, 100 tỷ USD cao hơn nhập khẩu- tức là đủ bao phủ 3 tháng nhập khẩu, thì đó là điều rất tốt.
* Ông đánh giá thế nào về việc lãi suất cho vay hiện đã giảm, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng chậm? Và, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% liệu có đạt được?
- Lãi suất huy động giảm sâu, nhưng lãi suất cho vay giảm không tương xứng. Theo tôi, đây có lẽ là rủi ro của nền kinh tế, nên họ bắt buộc giữ lãi suất cho vay cao. Trong hoạt động kinh doanh có bù trừ cho rủi ro, như vậy bù trừ rủi ro được tính cho lãi suất cho vay. Những ngân hàng nào lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn.
Chính vì vậy, năm 2023, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng đều chậm, mãi đến cuối năm tăng trưởng tín dụng được 13,5%. Thực tế, các ngân hàng không phải không cho vay, mà họ đang tính đến những rủi ro. Do đó, lãi suất vẫn cao bù trừ cho rủi ro đó. Trong năm 2023 có sự tương phản, lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao.
Còn về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 kỳ vọng đạt 15%, tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và khả năng đi vay vốn của các DN.
* Vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu DN và rủi ro liên thông giữa thị trường trái phiếu DN với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024. Vậy, phương án nào có thể giải quyết rủi ro này?
- Hiện tại, thị trường trái phiếu đang đóng băng, bắt đầu từ vụ án Tân Hoàng Minh. Điều đó cho thấy, các DN kinh doanh bất động sản và các ngành nghề kinh doanh khác đã dùng trái phiếu để huy động vốn và sử dụng vốn đó sai mục đích, bất hợp pháp. Chúng ta đã không kiểm soát chặt chẽ các DN phát hành trái phiếu dẫn đến các vụ đại án.
Để tạo dựng thị trường trái phiếu ổn định, đầu tiên phải xây dựng niềm tin đối với nhà đầu tư. Năm 2024, sẽ áp dụng lại Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, tất cả các quy định cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc nhất, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu, nhằm cung cấp nhiều vốn hơn cho thị trường. Bên cạnh đó, cổ phiếu cần xem xét lại. Những giao dịch bất thường, giao dịch nội gián phải được thực hiện nghiêm minh và công bố những sai phạm trên báo chí.
* Để nói về NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua, ông sẽ nói điều gì?
- Thời gian qua, NHNN đã thành công trong điều hành chính sách tỷ giá ổn định, đã thực hiện chính sách tiền tệ kiểm soát được lạm phát, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%. Tuy nhiên, NHNN đã không thúc đẩy các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn dồi dào cho DN, để nhiều DN rời thị trường, nguyên nhân đa phần vì sức khoẻ tài chính- mặc dù đã giảm lãi suất nhưng vẫn thiếu hiệu quả. Như vậy, mũi tên không bắn trúng đích.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Thắm (Thực hiện)