Sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là các cấp ủy, chính quyền là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
Trên cơ sở Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách BHXH; Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 và Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024…, trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội đẩy mạnh công tác thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
Bên cạnh đó, đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề này. Trong đó, chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các ngành.
Trên cơ sở đó, đã có 63/63 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị hành chính cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo; 46/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT…
Từ công tác tham mưu, phối hợp tham mưu của BHXH các tỉnh, thành phố, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn. Chỉ đạo các ngành liên quan như Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục-Đào tạo, Công an, Kế hoạch-Đầu tư, Thanh tra, Thuế... và đề nghị các tổ chức, đoàn thể, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH trong việc tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; phòng, chống, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ…
Sự phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò trách nhiệm của các ban, bộ, ngành trung ương cũng như sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp trách nhiệm của các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể... từ cấp tỉnh tới cấp xã đã cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.
Về phần mình, BHXH Việt Nam cũng luôn quan tâm nâng cao vị trí, vai trò của các tổ chức đảng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, Đảng ủy cơ quan và cấp ủy các tổ chức đảng trực thuộc chú trọng nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận... của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành những chương trình, kế hoạch thực hiện; đồng thời, ban hành nghị quyết chuyên đề đối với những vấn đề cốt yếu, phù hợp với đặc thù của BHXH Việt Nam và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
Thường xuyên tiến hành tổng kết thực tiễn và lựa chọn những khâu đột phá để tổ chức thực hiện, như: nâng cao chất lượng chi bộ; tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; đổi mới công tác tư tưởng, phương thức học tập nghị quyết của Đảng, công tác dân vận; đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng…
Công tác chính trị, tư tưởng được coi trọng và có nhiều đổi mới đã góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị; chú trọng, đề cao việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn cấp ủy và tổ chức đảng, công tác quản lý, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, chất lượng từng bước được nâng lên, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phòng ngừa với xử lý vi phạm kỷ luật. Công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể được quan tâm, chú trọng, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cùng với đó, quan hệ công tác giữa Đảng ủy cơ quan với Ban Cán sự đảng và lãnh đạo BHXH Việt Nam được quan tâm, tăng cường, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ. Trong đó, tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên tham mưu thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Bám sát các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020 và Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2030 để phối hợp với Ban Cán sự, lãnh đạo BHXH Việt Nam kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, công tác cụ thể, triển khai trong toàn Ngành.
Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp, bảo đảm tốt mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm; đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo BHXH Việt Nam lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT; chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm; phát huy vai trò “then chốt” từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành nói chung và của các đơn vị trực thuộc nói riêng...