Thủ đô của Ấn Độ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng trong bối cảnh nắng nóng dữ dội chưa từng có có tấn công nơi này trong thời gian dài.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết, nhiệt độ ở một số khu vực của thành phố đã vọt lên trên mức 45 độ C, chạm mốc 47 độ C vào thứ Năm tuần trước và tiếp tục đến cuối tuần.
"Các đợt nắng nóng nghiêm trọng có khả năng tiếp tục diễn ra ở các khu vực phía bắc Ấn Độ trong 4-5 ngày tới", IMD cảnh báo trong một thông cáo.
Theo trang dự báo thời tiết AccWeather, nhiệt độ hằng ngày cao nhất ở Delhi liên tục vượt quá 40 độ C kể từ hôm 12/5. "Đây là khoảng thời gian lâu nhất vì nắng nóng đã kéo dài khoảng 24 ngày ở các vùng khác nhau của đất nước", TS.Mrutyunjay Mohapatra, người đứng đầu IMD, nói khi trả lời phỏng vấn của báo Indian Express.
Bộ Y tế Ấn Độ khuyến cáo người dân uống đủ nước, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và quan tâm hơn đến những người đang bị bệnh hoặc người già. Nhiều phương tiện truyền thông của Ấn Độ đã đưa tin về cái chết của cử tri và nhân viên bầu cử hồi tháng 5 sau khi họ đứng dưới nắng nóng thiêu đốt để bỏ phiếu.
Nắng nóng dai dẳng kéo theo khô hạn, đẩy Delhi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Một số khu vực gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn nước, thậm chí không có nước. Báo Economic Times đưa tin, thành phố này hiện đang thiếu 50 triệu gallon nước mỗi ngày do thiếu nguồn cung thô. Lượng nước đổ đến sông Yamuna đoạn chảy qua khu vực này ngày càng ít, trong khi bang lân cận Haryana không giải phóng phần nước dành cho New Delhi.
Để giảm bớt căng thẳng, các nhà chức trách đã phải hỗ trợ người dân bằng cách điều động xe bồn chở nước tới các địa phương. Người dân phải xếp hàng dài và chờ hàng giờ mới đến lượt lấy nước. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các xe chở nước không đến thường xuyên.
"Có người lấy được nước, có người không. Đôi khi còn xảy ra ẩu đả vì nước", một người dân tên là A.P Singh phản ánh.
Ấn Độ là nơi sinh sống của gần 18% dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu 4% nguồn tài nguyên nước toàn cầu, theo Ngân hàng Thế giới. Lượng nước sẵn có bình quân đầu người ở nước này là khoảng 1.100 m3- thấp hơn nhiều so với ngưỡng được quốc tế công nhận về tình trạng căng thẳng về nước là 1.700 m3/người và gần đến mức nguy hiểm với ngưỡng khan hiếm nước là 1.000 m3/người. Lượng nước sẵn có bình quân đầu người trên toàn cầu là 5.500 m3. Tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế đã cùng nhau gây áp lực lên tài nguyên nước tại quốc gia Nam Á này.
Nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang đối mặt với nắng nóng nghiêm trọng, với nhiệt độ ở Bangladesh và Thái Lan đều vượt quá ngưỡng 40 độ C.
Nước láng giềng của Ấn Độ là Trung Quốc vừa phải tiếp tục phải ra cảnh báo về nắng nóng. Sáng 16/6, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) gia hạn cảnh báo màu vàng về nhiệt độ cao, khuyến cáo người dân nên tránh các hoạt động ngoài trời và cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người già.
"Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với số thương vong và thiệt hại kinh tế ngày càng tăng do lũ lụt, bão lốc và các đợt nắng nóng nghiêm trọng hơn", Tổ chức Khí tượng Thế giới- cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc cảnh báo như vậy từ hồi tháng 4 vừa qua.
Ngọc Tuấn