Trên toàn cầu, cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi thì có 6 em thường xuyên phải chịu đựng bạo lực tâm lý hoặc trừng phạt thể xác tại nhà, theo các ước tính mới của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
UNICEF cho biết thêm, trong số gần 400 triệu trẻ dưới 5 tuổi này, có 330 triệu em bị trừng phạt bằng các phương tiện vật lý.
"Khi trẻ bị lạm dụng thể chất hoặc lời nói trong gia đình, hoặc không được người thân yêu chăm sóc về mặt xã hội và tinh thần, điều đó có thể làm suy yếu ý thức về giá trị bản thân và sự phát triển của các em", Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh trong báo cáo nhân ngày Quốc tế vui chơi (11/6).
Dữ liệu của UNICEF được công bố vào ngày này cho thấy, nhiều trẻ nhỏ không được vui chơi, không được khuyến khích và tương tác tốt với cha mẹ cũng như với những người chăm sóc. Cơ quan này đang kêu gọi các chính phủ củng cố các khung pháp lý và đầu tư nhiều hơn nữa vào các chương trình nuôi dạy con cái và không gian vui chơi cho trẻ em.
Dù ngày càng nhiều quốc gia cấm trừng phạt thân thể lên trẻ em tại nhà, khoảng nửa tỷ trẻ em dưới 5 tuổi vẫn chưa được pháp luật bảo vệ đầy đủ. Theo UNICEF, các quy phạm xã hội có hại càng khiến các hành vi bạo lực nhằm vào trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn 1/4 các bà mẹ và người chăm sóc được hỏi đã bày tỏ rằng hình phạt thể xác là cần thiết để nuôi dạy con cái.
UNICEF định nghĩa bạo hành tinh thần là những hành vi như quát mắng trẻ với những ngôn từ xúc phạm, còn bạo hành thể xác bao gồm những hành vi như lắc mạnh người, đánh đập, tát…hay bất cứ hành động nào gây đau đớn thân thể. Báo cáo mới nhất của UNICEF được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ 100 quốc gia được thu thập trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2023, bao gồm các hành vi trừng phạt về thể chất và bạo lực tinh thần.
Dữ liệu cho thấy, cứ 10 trẻ em ở độ tuổi 2-4 thì có 4 em không được khuyến khích đầy đủ ở nhà, chứng tỏ sự thờ ơ về mặt cảm xúc có thể dẫn đến sự cách biệt, bất an và các vấn đề về hành vi ở tuổi trưởng thành. Và, tỷ lệ bỏ lỡ các hoạt động quan trọng đối với sự phát triển với người chăm sóc, chẳng hạn như đọc sách, kể chuyện, ca hát và vẽ là 1/10. Bên cạnh đó, nhiều trẻ nhỏ không hề chơi với người chăm sóc, cũng không có đồ chơi ở nhà.
Từ năm nay trở đi, ngoài ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) vốn có, thế giới có thêm Ngày Quốc tế Vui chơi vào 11/6 để tôn vinh sự kỳ diệu của việc vui chơi và nhắc nhở toàn xã hội về trách nhiệm phải bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nhân ngày Quốc tế Vui chơi lần đầu tiên được tổ chức, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell kêu gọi thế giới phải đoàn kết và chung tay chấm dứt mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm chăm sóc trẻ, đảm bảo các em được nuôi dưỡng và được vui chơi thỏa thích.
Hôm 25/3 vừa qua, tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua bằng đồng thuận Dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đề xuất chọn ngày 11/6 hàng năm làm Ngày Quốc tế Vui chơi. Nghị quyết ghi nhận vai trò của vui chơi đối với phát triển thể chất, kỹ năng xã hội, nhận thức, giao tiếp, đời sống tình cảm ở mọi lứa tuổi, ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm tiếp cận vui chơi, các hoạt động giải trí đối với sức khỏe thể chất, tâm lý, sự phát triển của trẻ em và thanh niên. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và cơ quan trong hệ thống của Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Vui chơi nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa quan trọng của vui chơi trong đời sống xã hội.
Hoàng Dương