Cơ quan BHXH luôn nỗ lực tối đa đảm bảo quyền lợi người tham gia và tối ưu sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT.
Theo BHXH TP.Hà Nội, hơn 5 tháng qua, Hà Nội có 5.307.163 lượt người KCB BHYT, với tổng chi phí từ quỹ BHYT 9.672,5 tỷ đồng (tính đến ngày 2/6/2024). Trong đó, tháng 1/2024 là 1.998,6 tỷ đồng; tháng 2/2024 là 1.396,4 tỷ đồng; tháng 3/2024 là 2.101,8 tỷ đồng; tháng 4/2024 là 2.123,4 tỷ đồng và tháng 5 là 2.053,2 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, số lượt KCB BHYT tăng 432.123 người (tương đương tăng 8,9%) và số chi phí tăng 1.191,9 tỷ đồng (tương đương tăng 14,1%).
Với mục là tiêu tối đa đảm bảo quyền lợi người tham gia và tối ưu sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, 5 tháng qua, BHXH TP.Hà Nội đã tập trung nhiều hoạt động rà soát, đánh giá tình hình chi phí; chủ trì cùng Sở Y tế làm việc với 14 cơ sở KCB. Tại các buổi làm việc, 3 bên (BHXH Thành phố, Sở Y tế, cơ sở KCB) cùng trao đổi, thẳng thắn nêu những vướng mắc, khó khăn (nếu có) và quan trọng nhất là kịp thời tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Đồng thời, phát hiện “từ sớm, từ xa”, ngăn chặn các chi phí bất thường. Những chi phí chưa hợp lý cũng được thảo luận, phân tích làm rõ thoả đáng để phía BV thống nhất. Biên bản, cam kết khi đó sẽ được cơ sở KCB ký kết để rà soát, điều chỉnh, rà soát lại việc lựa chọn chỉ định và mua sắm thuốc, chỉ định sử dụng cận lâm sàng, VTYT phục vụ điều trị một cách hợp lý hơn.
Mới đây, ngày 22/5/2024, BHXH TP.Hà Nội đã làm việc với Sở Y tế để thông tin về tình hình chi KCB BHYT 4 tháng đầu năm 2024 và kết quả kiểm tra tại 3 cơ sở KCB (BVĐK Sóc Sơn, BVĐK Mê Linh và PKĐK Quảng Tây). Qua kiểm tra tại 3 cơ sở KCB này, cơ quan BHXH đã từ chối thanh toán 1,2 tỷ đồng và đề nghị Sở Y tế có văn bản chấn chỉnh kịp thời.
Cùng với đó, giám sát các thông tin cảnh báo và các thông tin khác trên phần mềm Giám sát; phân tích các yếu tố chủ quan, khách quan (nếu có) dẫn đến tăng cao bất thường chi phí KCB tại từng cơ sở KCB; thông báo cho cơ sở KCB các chi phí bình quân tăng cao mà chưa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp, đánh giá các nguyên nhân làm tăng cao chi phí, báo cáo UBND Thành phố, Sở Y tế để kịp thời chỉ đạo…
Với sự chủ động tham mưu của BHXH Hà Nội, UBND TP.Hà Nội trong 5 tháng đầu năm đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát chi phí quỹ KCB BHYT. Mới đây, ngày 29/5/2024, UBND Thành phố ban hành Công văn 1657/UBND-KGVX chỉ đạo về việc Tăng cường kiểm soát chi KCB BHYT trên địa bàn Thành phố. Qua đó, góp phần làm giảm chi phí trung bình một lần KCB BHYT cả nội trú và ngoại trú. Cụ thể, chi phí bình quân/lượt KCB BHYT trong tháng 5/2024 là 1.818.271 đồng; trong đó, chi phí bình quân KCB ngoại trú là 603.552 đồng/lượt (bằng 91,7% so với tháng 4/2024) và chi phí bình quân KCB nội trú là 8.138.101 đồng/lượt, (bằng 98,6% so với tháng 4/2024).
Không chỉ ở Hà Nội, nhìn chung trong cả nước, thời gian đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chính sách BHYT và kiểm soát chi phí KCB BHYT. Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Y tế kiểm soát chi phí KCB BHYT trên cơ sở khoa học, công khai và minh bạch. Đồng thời, hướng dẫn BHXH các địa phương gửi thông tin cảnh báo cho cơ sở KCB các chi phí KCB BHYT tăng cao so với mức chi bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến; hướng dẫn cảnh báo các chi phí KCB BHYT tăng cao theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT”...
Được biết, hiện Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) đang tích cực hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ BHXH các địa phương xây dựng công cụ giám sát gia tăng chi bình quân; hướng dẫn cảnh báo, giám sát theo Nghị định số 75; tập huấn, triển khai công cụ cảnh báo và phương pháp, kỹ năng đánh giá. Dự kiến, trong tháng 6/2024, Trung tâm này sẽ phát triển công cụ quản lý, nhận diện rủi ro; đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tham gia và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ KCB BHYT.
Châu Anh