Theo người đứng đầu khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hanan Balkhy, một số người dân Gaza hiện nay thậm chí buộc phải uống nước thải, ăn cỏ và thức ăn chăn nuôi.
Mô tả trên được bà Hanan Balkhy đưa ra trong một phát biểu hôm 4/6. Nữ quan chức này kêu gọi tăng cường tiếp cận viện trợ ngay lập tức tới Gaza, đồng thời cảnh báo xung đột Israel- Hamas có tác động dây chuyền đến công tác chăm sóc sức khỏe trên toàn khu vực và ảnh hưởng đối với trẻ em sẽ nghiêm trọng và lâu dài.
"Ở Gaza, có những người hiện phải sử dụng thức ăn chăn nuôi, ăn cỏ, uống nước thải. Trẻ em hầu như không có gì để ăn trong khi những chiếc xe tải viện trợ vẫn đang đậu bên ngoài Rafah", bà Hanan phản ánh trong bài phát biểu.
Trong thời gian qua, Liên Hợp Quốc đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về nạn đói ở Gaza, với khoảng 1,1 triệu người (tương đương một nửa dân số nơi đây) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trầm trọng.
Cùng ngày 4/6, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết, những hạn chế về khả năng tiếp cận tiếp tục làm giảm hoạt động viện trợ nhân đạo an toàn trên khắp Gaza, và tình hình ngày càng xấu đi trong tháng 5. Một lượng viện trợ nhỏ thường được chuyển đến qua cửa khẩu Kerem Shalom giữa Gaza với Israel, thế nhưng việc phân phối gặp nhiều trở ngại do tình trạng mất an ninh liên quan đến chiến sự và đường sá bị hư hại.
Bà Balkhy nêu rõ, Gaza cần hòa bình và cần được tăng cường tiếp cận viện trợ bằng đường bộ. Sau chuyến thăm gần đây tới cửa khẩu Rafah, tuyến đường viện trợ quan trọng mà Israel đã đóng cửa vào đầu tháng trước, nữ quan chức kêu gọi Tel Aviv hãy mở cửa các đường biên giới này vì chỉ cửa khẩu Kerem Shalom là không đủ. Bà đánh giá những nỗ lực tại các hành lang hàng hải và vận chuyển hàng không chẳng có ý nghĩa gì khi có những tuyến đường bộ ít tốn kém và hiệu quả hơn nhưng các xe tải lại phải xếp hàng dài bên ngoài chúng.
Bà Balkhy cũng đề cập nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân ở Gaza, với khoảng 11.000 người trong tình trạng nặng và bị thương cần được sơ tán y tế.
Trong khi đó, theo phân tích sơ bộ dữ liệu vệ tinh mới của Liên Hợp Quốc, khoảng 55% các công trình tại Dải Gaza đều đã bị phá hủy, hư hại hoặc có khả năng bị hư hại kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra hồi tháng 10/2023. Cụ thể, khi so sánh hình ảnh được vệ tinh ghi lại trước kia, Trung tâm Vệ tinh của Liên Hợp Quốc (UNOSAT) cho biết kết quả phân tích những hình ảnh hôm 3/5 vừa qua thể hiện hơn 137.000 tòa nhà bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 55% tổng số công trình tại Gaza. Trong đó, 36.591 công trình bị phá hủy, 16.513 công trình bị hư hại nghiêm trọng, 47.368 công trình bị thiệt hại ở mức vừa phải, 36.825 công trình khả năng bị hư hại, và 135.142 nhà ở bị hư hại.
Kết quả so sánh hình ảnh vệ tinh còn cho thấy, thành phố Deir Al-Balah và thành phố Gaza chịu thiệt hại nặng nề nhất từ ngày 1/4- 3/5, với lần lượt hơn 2.600 và 2.360 công trình bị hư hại.
UNOSAT lưu ý dữ liệu trên là một phần trong báo cáo phân tích sơ bộ và chưa được xác nhận tại thực địa.
Ngọc Tuấn