Trong Bảng xếp hạng Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (The World Happiness Report), Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Sĩ luôn đứng đầu. Để có được chỉ số hạnh phúc cao như vậy, các quốc gia này đều có nền An sinh vững chắc, với các chương trình An sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo ưu việt.
Phần Lan: Nổi trội về các chương trình phúc lợi xã hội
Một trong những yếu tố giúp Phần Lan đứng đầu Bảng xếp hạng Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là quốc gia là có sự nổi trội về An sinh xã hội. Chẳng hạn, về giáo dục, Phần Lan cung cấp giáo dục miễn phí và chất lượng cao cho tất cả mọi người trong xã hội, kể từ bậc học mầm non cho đến giáo dục Đại học. Cách tiếp cận bình đẳng này trao quyền cho công dân và giúp giảm thiểu tình trạng nghèo đói truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bên cạnh đó, Sáng kiến Thử nghiệm Thu nhập Cơ bản (Basic Income Experiment) được Phần Lan áp dụng để thêm một phương pháp tiếp cận đổi mới nhằm xóa đói giảm nghèo, thông qua việc hỗ trợ tiền mặt vô điều kiện cho một nhóm công dân được lựa chọn ngẫu nhiên.
Theo Ủy ban Châu Âu (EC): “Sáng kiến Thử nghiệm Thu nhập Cơ bản diễn ra trong 2 năm (2017-2018). Mục đích chính là nghiên cứu nếu thu nhập cơ bản của NLĐ tăng, có làm họ tham gia vào thị trường lao động tích cực hơn hay không và giảm bớt sự quan liêu liên quan đến An sinh xã hội hay không. Kết quả cho thấy, mặc dù Sáng kiến này không có tác động đáng kể đến việc làm nhưng có làm giảm bớt sự quan liêu liên quan đến An sinh xã hội; đồng thời, mức độ hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống của NLĐ cao hơn”.
Đan Mạch: Chính sách thị trường lao động linh hoạt, năng động
Một phần nguyên nhân thúc đẩy Chỉ số Hạnh phúc của Đan Mạch là đã áp dụng linh hoạt giữa thị trường lao động và An sinh xã hội toàn diện. Mô hình linh hoạt này dựa trên tạo việc làm mới, bao phủ trợ cấp thất nghiệp và chính sách thị trường lao động tích cực.
Một trong những giải pháp là Chính sách Việc làm Tích cực (Danish Active Employment Policy) của Đan Mạch với nội dung chính là nâng cao hỗ trợ đào tạo cho người tìm việc, từ đó tăng khả năng có việc làm của họ và góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp dài hạn.
Đan Mạch chú trọng đào tạo nghề nghiệp có phù hợp và có nhu cầu cao trên thị trường lao động, nhằm đảm bảo sinh kế bền vững và khả năng phục hồi kinh tế cho NLĐ; hướng tới thị trường lao động năng động, kết hợp với các chính sách An sinh xã hội, giúp giảm đáng kể tình trạng nghèo đói và nâng cao Chỉ số Hạnh phúc.
Thụy Sĩ: Nhấn mạnh đào tạo nghề, học nghề
Cơ cấu quản trị phi tập trung và nhấn mạnh vào đào tạo nghề, học nghề là 2 đặc điểm nổi bật trong phương thức tiếp cận xóa đói giảm nghèo của Thụy Sĩ. Hệ thống An sinh xã hội của Thụy Sĩ, được quản lý ở cấp bang, bảo đảm hỗ trợ có mục tiêu cho người dân, hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng địa phương.
Một đặc điểm nổi bật khác trong câu chuyện xóa đói giảm nghèo của Thụy Sĩ là hệ thống giáo dục và đào tạo nghề kép. Theo đó, chương trình bao gồm lý thuyết, học tập trên lớp và kinh nghiệm học tập thực tế tại nơi làm việc- giúp cung cấp các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp hiệu quả, nâng cao khả năng được tuyển dụng, xây dựng vị thế kinh tế- xã hội trong tương lai của NLĐ. Thành công của chương trình cho thấy, tầm quan trọng của các giải pháp can thiệp về lao động, việc làm, trình độ, kỹ năng… của Chính phủ đối với NLĐ dựa vào cộng đồng.
Như vậy, Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Sĩ đã vận dụng rất tốt các chính sách An sinh xã hội để tác động tích cực đến thị trường lao động; từ đó, giải quyết tình trạng nghèo đói và cải thiện đời sống cho công dân.
Tùng Anh (Theo EC)