Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các cuộc đàm phán tiến tới thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai sẽ hoàn tất vào năm 2025 hoặc sớm hơn nếu có thể.
Trong suốt 2 năm qua, 194 quốc gia thành viên của WHO đã đàm phán nhằm xây dựng một khuôn khổ mang tính ràng buộc quốc tế để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với các đại dịch. Nỗ lực được thúc đẩy sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, tàn phá nền kinh tế, làm tê liệt hệ thống y tế trên toàn thế giới.
Ban đầu, WHO nhắm tới việc đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thường niên tuần trước nhưng đành kéo dài đàm phán do có sự chia rẽ sâu sắc các quốc gia giàu và nghèo liên quan các vấn đề như chia sẻ vắc xin và các biện pháp ứng phó. Mặc dù vậy, các nước đã đạt được đồng thuận về Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) sửa đổi nhằm cập nhật các quy tắc y tế hiện có. IHR được thông qua lần đầu tiên vào năm 1969, tạo lập khuôn khổ pháp lý quốc tế để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
"Các quyết định lịch sử được đưa ra ngày hôm nay thể hiện mong muốn chung của các quốc gia thành viên là bảo vệ người dân trước nguy cơ chung trong các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các đại dịch trong tương lai", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra cho rằng, với thỏa thuận này, các biện pháp sẽ được triển khai nhằm buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm và tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trước khi chúng đe dọa người dân và an ninh thế giới.
Theo dữ liệu của WHO, những thay đổi về các quy tắc y tế toàn cầu nhằm nâng cao năng lực phòng vệ của thế giới trước các mầm bệnh mới sau khi đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người.
Trong một diễn biến khác, trước thềm cuộc họp nói trên của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, một ủy ban giám sát độc lập đã công bố báo cáo cho biết, bộ phận ứng phó khẩn cấp của WHO đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài chính cần thiết cho các hoạt động ứng phó và xử lý khủng hoảng cũng như trả lương cho nhân viên. Báo cáo chỉ ra, trong năm 2023, bộ phận ứng khó khẩn cấp của WHO đã phải huy động nguồn lực để xử lý 72 tình huống khẩn cấp, bao gồm động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, xung đột ở Sudan, Ukraine và Dải Gaza cũng như một đợt bùng phát dịch tả quy mô lớn trên toàn cầu.
Trong khi đó nhiều thảm họa thiên tai và xung đột đang nổi lên, đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với hoạt động của chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO.
Trong bối cảnh như vậy, ủy ban nói trên khuyến nghị WHO cần cải thiện quá trình chuyển giao nhiệm vụ cho các quốc gia trong quá trình ứng phó. Bên cạnh đó, các nước cũng cần tăng cường năng lực ứng phó của riêng mình. Nếu các quốc gia không tăng cường năng lực của riêng mình, các hoạt động của chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO có thể sẽ bị thu hẹp. Báo cáo đưa ra một loạt đề xuất nhằm củng cố vai trò của WHO trong việc quản lý và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về nhân đạo kéo dài.
Hồi năm 2023, WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, hiện tổ chức này vẫn đang phải ứng phó với ngày càng nhiều trường hợp khẩn cấp khác, từ xung đột và thiên tai đến các bệnh truyền nhiễm.
Ngọc Tuấn