Truyện tranh là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản. Tổng giá trị xuất khẩu của truyện tranh có thể so sánh với quy mô của công nghiệp bán dẫn và thép tại quốc gia này.
Tuy nhiên, truyện tranh dịch tiếng Anh chỉ chiếm 2% tổng sản lượng truyện tranh của Nhật Bản, vì vậy, Chính phủ và các NXB gần đây đã đầu tư rất mạnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tốc dịch thuật với hy vọng tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế và chống nạn sách lậu.
Có thể nói, truyện tranh Nhật Bản rất nổi tiếng ở nước ngoài. Các tác phẩm như Naruto, Thanh Gươm Diệt Quỷ (Demon Slayer) và Thám tử Conan đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có cả tiếng Việt. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Anh của Nikkei Shimbun không nhiều, chỉ khoảng 14.000 bản được dịch sang tiếng Anh.
Tập đoàn Đầu tư Đổi mới Công nghiệp Nhật Bản (JIC), do Bộ Kinh tế- Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thành lập, gần đây đã hợp tác với 10 đơn vị- bao gồm các NXB- đầu tư 2,92 tỷ yên vào ORANGE, một công ty khởi nghiệp có trụ ở Minato, Tokyo nhằm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để chuẩn bị đẩy nhanh tốc độ dịch thuật và tăng khối lượng xuất khẩu truyện tranh. "Số lượng xuất khẩu truyện tranh Nhật Bản và các ấn phẩm khác vẫn còn nhiều dư địa, nhất là trong mở rộng bản quyền điện tử. Đầu tư vào ORANGE sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong ngành xuất bản và hạn chế hiệu quả các hình thức vi phạm bản quyền".
Theo Cơ quan Xúc tiến phân phối nội dung ở nước ngoài (CODA), số lượng xuất khẩu truyện tranh Nhật Bản và các ấn phẩm khác hiện đang vào khoảng 320 tỷ yên. Tuy nhiên, năm 2022, ngành xuất bản Nhật Bản chịu thiệt hại do bị vi phạm bản quyền lên tới 831,1 tỷ yên. Truyện tranh Nhật Bản thường xuất hiện dưới dạng lậu trước khi được chính thức phát hành bản dịch chính thống; vì vậy, đẩy nhanh tốc độ dịch các tác phẩm sang tiếng nước ngoài có thể giúp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền.
ORANGE được thành lập vào năm 2021 bởi một cựu nhà phát triển trò chơi. Hiện tại, dịch thuật là hoạt động kinh doanh chính. ORANGE đã thành lập nền tảng đọc sách điện tử eMaqi ở Mỹ và có kế hoạch phát hành các bản dịch điện tử truyện tranh Nhật Bản qua điện thoại thông minh vào mùa hè này. Người sáng lập ORANGE, Shigehiro Ugaki, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được nguồn vốn từ Chính phủ và 10 đơn vị tư nhân để thực hiện dự án phát hành 50.000 truyện tranh điện tử được dịch sang tiếng Anh trong vòng 5 năm, với mục tiêu dịch 500 bản mỗi tháng và xuất khẩu ra nước ngoài. Với sự trợ giúp của dịch thuật AI, số lượng tác phẩm được dịch có thể tăng gấp 3,5 lần so với trước đây”.
Nikkei thông tin, việc sử dụng dịch thuật AI, sẽ khiến cả thời gian và chi phí có thể giảm xuống còn 1/10 so với trước đây. Dịch truyện tranh khó hơn các tác phẩm khác, thậm chí dịch thủ công một cuốn truyện tranh phải mất cả tháng trời. Như vậy, dùng AI có thể giảm thời gian dịch dịch thuật và sau đó, biên tập viên chỉ việc hiệu đính.
Đặc biệt, do công cụ AI dịch truyện tranh của ORANGE sử dụng phân tích hình ảnh để đọc văn bản truyện tranh và dịch sang các ngôn ngữ như tiếng Anh, Trung, nên vẫn giữ được cách diễn đạt độc đáo, vui nhộn. Trong tương lai gần, sẽ góp phần quan trọng để số hóa và mở rộng thị trường truyện tranh Nhật Bản, người đọc sẽ được hưởng lợi vì có đọc thể đọc bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên điện thoại di động với chi phí rẻ hơn mua/đọc truyện tranh giấy.
Tùng Anh (Theo CODA)