Lực lượng dân số trên 65 tuổi của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 36,25 triệu người vào năm 2024, tăng 20.000 người so với năm trước, và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trên đây là số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/9, phản ánh thực trạng già hóa đang diễn ra nhanh chóng tại đất nước này.
Theo báo cáo, những người trên 65 tuổi (được xác định là người cao tuổi ở Nhật Bản) hiện chiếm 29,3% tổng dân số, đưa nước này vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ dân số trong nhóm tuổi này cao nhất trên thế giới. Số phụ nữ từ 65 tuổi trở lên ước tính là 20,53 triệu người, còn số nam giới cùng độ tuổi là 15,72 triệu người. Trong khi đó, số người trên 80 tuổi đạt khoảng 12,9 triệu người, chiếm 10,4% tổng dân số và vượt mốc 10% trong năm thứ hai liên tiếp.
Báo cáo được Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đưa ra nhân kỷ niệm Ngày Kính lão (16/9). Cũng trong báo cáo, Bộ này cho biết số người từ 65 tuổi trở lên vẫn phải làm việc cũng đạt mức cao chưa từng có với 9.140.000 người, chiếm 13,5% tổng lực lượng lao động. Đáng chú ý, trong số đó có cả những lao động trên 80 tuổi và cao hơn nữa.
"Người cao tuổi nhất đăng ký việc làm qua trung tâm của chúng tôi là một cụ ông 91 tuổi còn khỏe mạnh. Trước đây, cụ là cán bộ quản lý của một doanh nghiệp lớn. Hiện nay, theo giới thiệu của chúng tôi, cụ đang làm nhiệm vụ giữ vệ sinh một bãi trông xe đạp ở nội thành. Về số người trên 80 tuổi đang đăng ký làm việc qua Trung tâm của chúng tôi, 10 năm trước mỗi năm chỉ khoảng 100 người còn nay là 400 người. Điều này chỉ ra sự thay đổi lớn trong cơ cấu lao động hiện tại", Nishijima Kiyoshi, một chuyên gia tư vấn của Trung tâm hỗ trợ việc làm người cao tuổi, cho biết.
Trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, ngày càng nhiều các cơ quan, doanh nghiệp ở Nhật Bản quyết định tận dụng sức lao động người cao tuổi. Kết quả là tỷ lệ người cao tuổi có việc làm chiếm tới 25,2%, tức là cứ 4 người cao tuổi thì có hơn một người vẫn đang làm việc. Phần lớn họ làm việc trong các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ, tiếp theo là ngành chăm sóc sức khỏe và phúc lợi, và ngành dịch vụ.
Các chuyên gia xã hội học đánh giá, với tình hình hiện nay, vị thế, vai trò của người cao tuổi trong xã hội Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao và điều này góp phần làm giảm áp lực cho các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội của nước này.
Theo thống kê, lệ người cao tuổi ở Nhật Bản ở mức cao nhất trong số khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Italy và Bồ Đào Nha nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu, lần lượt ở mức 24,6% và 24,5%, trong khi Hàn Quốc đứng ở mức 19,3% và Trung Quốc 14,7%.
Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội quốc gia Nhật Bản dự báo, đến năm 2040, tỷ lệ người cao tuổi của nước này sẽ chiếm 34,8% dân số, khi những người sinh ra trong đợt bùng nổ dân số lần thứ hai từ năm 1971 đến năm 1974 trở thành người cao tuổi.
Ngọc Tuấn