Sáng 25/5, Quốc hội nghe và thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Nhiều mục tiêu của Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, Nghị quyết số 43 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề. Kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011- 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư. Tuy nhiên, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ (đạt 56% kế hoạch). Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ tại một số địa phương còn chậm, lúng túng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch Covid- 19.
Chính vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị, các địa phương tiếp tục chủ động, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Cần chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm
Tham gia thảo luận, ĐB Siu Hương (Gia Lai) nhận thấy, Báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá toàn diện, đầy đủ, cụ thể việc thực hiện 5 quan điểm, 3 mục tiêu, chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 43. Việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trước hoàn cảnh, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết với nhiều chính sách chưa có tiền lệ, thời gian để xây dựng, đánh giá tác động trước khi ban hành ngắn nên quá trình thực hiện chính sách cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế dẫn đến kết quả thực hiện chính sách chưa đạt được như kỳ vọng...
Còn ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã thể hiện rất rõ tinh thần “ứng vạn biến” của Quốc hội. Nghị quyết này đã được ban hành rất nhanh, rất sớm. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai thực hiện. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách khoa học, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả đã tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế như Báo cáo 616 của Đoàn Giám sát đã nêu.
Tuy nhiên, ĐB Bình nêu rõ, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế như một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp; chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh… Do đó, Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát hiệu hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)
Khẳng định sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, song ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế-xã hội đến hết năm 2025. Trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng. Tuy nhiên, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Về các cơ chế đặc thù, tại Nghị quyết 43, trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt và qua giám sát cho thấy nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi như: đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ hay đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, với cơ chế chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời. Còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật.
Về việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quan đối với các dự án tuyến đường cao tốc, qua giám sát cho thấy, có nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng. Nếu áp dụng nhân rộng mô hình này, đại biểu cho rằng cần chú ý hai điểm: Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương. Thứ hai là đi đôi với quyền hạn cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu…
V.Thu