Mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân còn nhiều khó khăn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5 Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và NSNN những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Cần giải pháp mạnh mẽ
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả năm 2023, chúng ta đã hoàn thành 10/15 chỉ tiêu, thu ngân sách tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so dự toán và so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Trong đó, GDP Quý I/2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ và cao hơn kịch bản điều hành Chính phủ đã đề ra. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu chúng ta quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành trong 3 quý còn lại của năm 2024, thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt như kế hoạch đề ra cũng như dự báo của các tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới. Cùng với đó, bội chi NSNN được kiểm soát, duy trì ở mức thấp. Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn NSNN được tăng cường, đã tập trung được nguồn lực cho các lĩnh vực then chốt. Thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý thu, chi NSNN ngày càng được cải thiện, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ cũng dần lấy lại được đà tăng trưởng.
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thêm một số nội dung. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5%, trong khi năm 2022 là 7,2%. Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng. Tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%.
Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu rõ, khép lại năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu nhưng lại là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế. Khu vực DN vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng. “Với tình hình này, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5% là vô cùng thách thức”- ĐB So thẳng thắn.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh)
Đóng góp với báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Như So kiến nghị một số giải pháp từ góc nhìn thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri, cộng đồng DN nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2024- năm bản lề cần sự đột phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đó, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn DN, đặc biệt là DN tư nhân, DN nội địa, doanh nghiệp lõi của Chiến lược An ninh lương thực, thực phẩm. Phải đặt mục tiêu nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ sống còn, cấp bách để phát triển bền vững nền kinh tế. Năm 2023, tổng số lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên chiếm đến 74,5% tổng số lao động, tương đương 38,3 triệu người. Đây là con số đáng báo động, đặt ra áp lực lớn để tạo việc làm bền vững và tăng năng suất lao động của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5% cần xây dựng cơ chế trọng dụng nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi cho các DN tổ chức đào tạo lao động, sử dụng trên 50% lao động có trình độ từ Cao đẳng, Đại học trở lên; ưu tiên tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo; áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học công nghệ. Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu, quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng, như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển, mở rộng tới các lĩnh vực mới mang tính đột phá, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Đánh giá kỹ nguyên nhân doanh nghiệp rút lui thị trường
Cùng chung nhận định kinh tế- xã hội phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, song ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn, chất lượng lao động chưa cao. Để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, tăng cường năng lực nội sinh. Tiếp tục giảm lãi suất và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt an sinh xã hội, cải cách tiền lương.
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB băn khoăn tăng trưởng GDP phục hồi, vậy tại sao số DN rời thị trường vẫn cao hơn số thành lập mới? Mặc dù số DN thành lập mới vượt ngưỡng trung bình 2 năm gần đây, song số doanh nghiệp rút lui tăng cao hơn đã phản ánh thực tế sức khỏe của DN vẫn còn yếu. Theo ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng), báo cáo của Chính phủ, năm 2023, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 đạt 217,7 nghìn DN, 159,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới (tăng 7,2% so với năm 2022) và 58,4 nghìn DN quay trở lại hoạt động. Số doanh gia nhập thị trường cao hơn số rút lui khỏi thị trường (172,6 nghìn DN), cho thấy nền kinh tế từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2023 cho thấy, trong năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn DN, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, nhận định trên chưa đầy đủ, chưa nói hết được những khó khăn của DN trong việc tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, tuyển dụng lao động, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn...
Cùng băn khoăn về tỷ lệ DN dừng hoạt động, ĐB Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) nêu, năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn DN, tăng 20,7% so với năm 2022. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 14.400 DN rút khỏi thị trường. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2024, có 81.000 DN thành lập mới và hoạt động trở lại nhưng có đến 86.400 DN dừng hoạt động và giải thể, cho thấy số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động lại cao hơn số DN khôi phục và đăng ký mới. Bình quân trong 4 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng có đến 21.600 DN rút khỏi thị trường.
Đại biểu Phạm Hùng Thái cho rằng, đây là một trong những tín hiệu rất đáng quan tâm, đề nghị Chính phủ Chính phủ chú trọng những giải pháp cụ thể, quyết liệt, tập trung giải quyết để làm chuyển biến những chỉ số, con số trên.
V.Thu