Các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội và nhất là BHXH, BHYT tiếp tục được cụ thể hoá mạnh mẽ.
Trên cơ sở đánh giá: Trong giai đoạn 2011-2015, chính sách an sinh xã hội được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trên các lĩnh vực lao động, việc làm, BHXH, BHYT; tỉ lệ tham gia BHXH, BHTN, BHYT tăng, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân; thực hiện tốt chính sách BHTN; nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp; đồng thời “Mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao hiệu quả của hệ thống, đổi mới cơ chế tài chính, bảo đảm phát triển bền vững quỹ BHXH”; “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc với BHXH Việt Nam ngày 21/2/2018
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII cũng nêu rõ định hướng “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân... Phát triển và thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động,... Tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT cho toàn dân, đổi mới cơ chế tài chính gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”.
Cụ thể hóa nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân được Đại hội XII đề ra, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra mục tiêu: đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số; đến năm 2030 đạt trên 95% dân số.
Về BHXH, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trên cơ sở phân tích những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế, bất cập trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ sự cần thiết phải phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội. Nghị quyết đã xác định những mục tiêu tổng quát và cụ thể; đồng thời nêu rõ 11 nội dung cải cách và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để “BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch”.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), việc phát triển, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nói chung, hệ thống BHXH nói riêng theo hướng toàn diện, linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tiến tới bao phủ toàn dân... tiếp tục được khẳng định. Bên cạnh đó, các văn kiện Đại hội cũng thống nhất một số mục tiêu được xác định trước đó tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 28/NQ-TW…
Tháng 10/2023, tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và đã nhất trí ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong đó yêu cầu “Chú trọng phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật. Đổi mới chính sách BHXH tự nguyện, có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia. Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ BHYT nhằm góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế”.
Tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam ngày 21/2/2018, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Sau 23 năm xây dựng và phát triển ngành BHXH cho thấy, chính sách BHXH vừa là mục tiêu, động lực, vừa là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội”. |