2006- 2015 là giai đoạn xây dựng và phát triển ngành BHXH Việt Nam theo Luật BHXH năm 2006, Luật BHYT năm 2008 và Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008; Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 94/2008) và Nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ.
Cụ thể, thực hiện Luật BHXH năm 2006, ngày 22/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo Nghị định 94, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện theo quy định của pháp luật.
Để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách và thu, chi, quản lý, sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, Chính phủ thành lập Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định.
Trong giai đoạn này, BHXH Việt Nam có 28 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Ở mỗi cấp, mỗi đơn vị lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nhưng mọi hoạt động của toàn hệ thống đều hướng tới mục tiêu tổ chức thực hiện tốt 5 nhiệm vụ cơ bản, gồm: Phát triển, mở rộng đối tượng tham gia và thu các khoản đóng BHXH, BHTN, BHYT; Giải quyết các chế độ BHXH, BHTN, BHYT; Chi trả lương hưu và các loại trợ cấp BHXH, BHTN và chi phí khám chữa bệnh BHYT; Quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật; Đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
So với giai đoạn trước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam trong giai đoạn này có nhiều điểm mới như thêm chức năng thực hiện bảo hiểm tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng quỹ BHTN. Bổ sung thêm nhiệm vụ của BHXH Việt Nam trong chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với BHXH Quân đội, Công an, Cơ yếu và phối hợp quản lý việc thực hiện công tác BHXH trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu cùng một số quy định cụ thể để thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và làm rõ trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu...
Trong những năm từ 2008-2015, BHXH Việt Nam tiếp tục được tổ chức thành hệ thống dọc 3 cấp, từ Trung ương đến cấp huyện. Cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương có 3 lần được điều chỉnh theo Nghị định 94/2008/NĐ-CP, Nghị định 116/2011/NĐ-CP và Nghị định 05/2014/NĐ-CP. Đến năm 2015, theo Nghị định 05/2014/NĐ-CP: - Ở Trung ương: có 16 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Bên cạnh đó có 2 Ban quản lý dự án được thành lập theo các luật chuyên ngành (Ban Quản lý dự án trụ sở làm việc giải thể từ năm 2013). - Ở cấp tỉnh: Có 63 BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. - Ở cấp huyện: Có 697 BHXH cấp huyện. |