Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore cùng Hội đồng Phúc lợi Quốc gia Singapore công bố Báo cáo Xu hướng về người khuyết tật (NKT). Báo cáo thu thập dữ liệu về việc làm, độ hòa nhập xã hội, chất lượng cuộc sống, thái độ của xã hội và tiến độ hỗ trợ chăm sóc NKT.
Báo cáo Xu hướng về người khuyết tật (NKT) do Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore phối hợp với Hội đồng Phúc lợi Quốc gia Singapore công bố cho thấy, tỷ lệ có việc làm của NKT tăng đều đặn, từ 28,2% vào năm 2018-2019 lên 32,7% vào năm 2022-2023, tạo nền tảng cho mục tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ việc làm cho NKT lên 40% vào năm 2030 mà Chính phủ đặt ra.
Cụ thể, so với cùng kỳ, 79,7% NKT có việc làm toàn thời gian (full-time), tăng so với năm 2018-2019 (74,5%). Thu nhập trung bình hàng tháng của người NKT tăng từ 2.630 SGD lên 4.242 SGD. Ngày càng nhiều NKT có trình độ Đại học, với tỷ lệ tăng từ 35% lên 46%. Tỷ lệ chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và kỹ thuật viên (PMET) là NKT cũng tăng từ 34% lên 45%.
Đại diện Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore chỉ ra, vấn đề việc làm của NKT được cải thiện nhưng thái độ của xã hội đối với NKT, đặc biệt là ở nơi làm việc, vẫn có nhiều điều cần cải thiện: 68,9% người tham gia khảo sát có thái độ tích cực đối với người khuyết tật, giảm so với mức 76,8% của cuộc khảo sát năm 2019; tỷ lệ người có thái độ trung lập tăng từ 21,5% (năm 2019) lên 28,6%; tỷ lệ người có thái độ tiêu cực là 2,5%, tăng từ mức 1,8% (năm 2019). Với người có thái độ tiêu cực, họ nêu một số lý do chính là: “Cảm thấy áp lực khi làm việc với NKT” và “Người sử dụng lao động nên thay đổi tính chất công việc hoặc môi trường làm việc để phù hợp với tuyển dụng NKT”.
Phân loại theo từng mức khuyết tật, tỷ lệ người tham gia khảo sát có thái độ tích cực đối với người mắc chứng tự kỷ, người chậm phát triển trí tuệ giảm đáng kể, lần lượt từ 69,9% (năm 2019) xuống 56,2% và từ 68,4% (năm 2019) xuống 57,3%. Tỷ lệ người có thái độ tích cực đối với NKT thể chất sẽ là 84,9%, gần bằng mức 85,8% của năm 2019. Ngoài ra, người có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với NKT có thái độ tích cực hơn đối với họ; ví dụ, 66,7% người tiếp xúc với người mắc chứng tự kỷ ít nhất 2 lần/năm nói không gặp vấn đề gì khi làm việc hay học tập với NKT.
Đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore phân tích: “Không gian thích hợp nhất để tiếp xúc với NKT là không gian công cộng, do thời gian tương đối ngắn và tâm trạng mọi người có xu hướng cởi mở, thái độ tích cực từ đó có thể nâng cao hơn. Ngược lại, trong môi trường làm việc hay học tập, thời gian dài hơn và áp lực từ nhiều vấn đề khiến mối quan hệ đôi khi không được hài hòa nữa. Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về NKT; đồng thời, người sử dụng lao động cần có sự chuẩn bị kỹ càng về đào tạo, môi trường làm việc và chế độ cho nhân viên là NKT, để họ phát huy được tốt nhất khả năng của mình”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)