Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Công điện nêu rõ, qua gần 40 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã có các DN lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kỹ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các DN có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Gần 4 năm của nhiệm kỳ 2021 - 2026, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao, kịp thời chỉ đạo, chủ động điều hành linh hoạt các chính sách vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN. DN Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, niềm tin được củng cố, nội lực được tăng cường; nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với các quốc gia khác.
Dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, DN làm trung tâm chủ thể, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của DN.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng, năm tới; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, các Bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp DN phát triển, trong đó có DN nhỏ và vừa để loại hình DN này có khả năng vươn lên và phát triển. Khuyến khích cơ chế DN lớn hỗ trợ, thúc đẩy DN nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để DN cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho DN để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm TTHC, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.
Nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các DN phát triển bền vững, bao gồm DN nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN theo đúng quy định pháp luật. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển DN nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của DN, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân.
Nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng thể chế quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, trước mắt tập trung vào quy tắc đạo đức, khung quản trị, quản lý rủi ro, khung thẩm định, đánh giá sản phẩm và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI.
Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng,… thúc đẩy DN xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về tuần hoàn tài nguyên để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng CNTT để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động tích cực theo thẩm quyền, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của DN để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ DN tại địa phương, nhất là các DN vừa và nhỏ, các DN đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… theo các quy định; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Thanh Hằng