Hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế
Để tiếp tục thể chế hóa những định hướng của Đảng trong giai đoạn này về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nhất là những quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28/NQ-TW, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH số 41/2024/QH15 (Luật BHXH 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025). So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH 2024 có nhiều thay đổi, hướng tới các mục tiêu lớn như mở rộng đối tượng tham gia; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; đồng thời mở rộng và đảm bảo quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách BHXH để thu hút NLĐ tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành tham tham gia chương trình đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với NLĐ năm 2022
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật BHYT cũng được tập trung triển khai nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nước ta; khắc phục những tồn tại sau 11 năm thực hiện Luật BHYT. Việc sửa đổi Luật cũng hướng đến việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật có liên quan; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT... Ngày 27/11/2024, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025). So với Luật BHYT 2014, Luật BHYT 2024 có 8 nhóm điểm mới liên quan đến mở rộng đối tượng, mở rộng quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia; đồng thời đảm bảo quản lý, sử dụng quỹ BHYT chặt chẽ, hiệu quả hơn…
Phát huy vai trò của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật
Nhìn lại quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ năm 1995 đến nay, nhất là trong những năm gần đây, có thể thấy BHXH Việt Nam luôn coi công tác tham mưu với Đảng và Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện chính sách và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành. Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, trực tiếp tương tác, chia sẻ với người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân, BHXH Việt Nam có cơ sở thực tiễn để tổng hợp các kết quả đạt được cũng như những nội dung còn vướng mắc, bất cập; phân tích, cung cấp các thông tin, số liệu; đề xuất giải pháp…, phục vụ thiết thực, hiệu quả quá trình tổng kết thi hành chính sách. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng, ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết và những chỉ đạo liên quan đến hoàn thiện chính sách và thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như những yêu cầu đặt ra trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội trong triển khai công tác xây dựng pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện chính sách, nhất là việc quản lý, sử dụng Quỹ để các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan của Quốc hội thực hiện khảo sát, giám sát theo quy định; tham gia trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực phụ trách, trong phạm vi thẩm quyền..., góp phần giúp Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao...
Là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ngành cũng thường xuyên báo cáo về tình hình thực hiện các mặt công tác, những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tham mưu, đề xuất, kiến nghị... để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết kịp thời; đồng thời nghiêm túc giải trình kiến nghị của các địa phương, báo chí..., góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Để phù hợp với định hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; hướng tới bao phủ BHXH, BHYT toàn dân… BHXH Việt Nam đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2030 (theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/1/2024). Chiến lược đã đưa ra các quan điểm; đồng thời xác định rõ 5 mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030 cùng 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu… Trong đó, Chiến lược xác định mục tiêu phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân… |
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng luôn chủ động đề xuất, tích cực phối hợp cùng các cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT và các dự án luật quan trọng có liên quan như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Về cơ bản, các ý kiến tham gia đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu do phù hợp với thực tiễn tổ chức thực hiện, có tính khả thi cao, bám sát các nội dung cải cách chính sách nhằm mục tiêu mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT, khắc phục những bất cập, tồn tại của chính sách qua các thời kỳ, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân khi tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.