Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương, cơ sở đào tạo nghề chỉ tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và thu nhập của người học; gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng của DN...
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho đối tượng phụ nữ yếu thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân... không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm tạo việc làm cho lao động sau đào tạo nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 10 năm gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành để tập trung thực hiện các giải pháp về việc hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ nói chung, phụ nữ yếu thế nói riêng có kỹ năng nghề, đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở đào tạo nghề chỉ tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và thu nhập của người học. Gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động; gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, trong đó có phụ nữ yếu thế, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn đến năm 2030” trình Chính phủ ban hành trong năm 2024.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ, trong đó có lao động là phụ nữ yếu thế đã được ban hành tương đối đầy đủ. Nguồn lực thực hiện được đảm bảo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác có nội dung về đào tạo nghề. Đặc biệt, trên cơ sở Luật Việc làm năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tạo việc làm nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho NLĐ, trong đó có lao động nữ, lao động sau đào tạo nghề. Đơn cử: Chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với NLĐ ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công; hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếu thế; chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển tổ chức dịch vụ việc làm để hỗ trợ kết nối cung- cầu lao động, phát triển hệ thống thông thị trường lao động; chính sách về BH thất nghiệp...
Đối với chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, Luật Việc làm năm 2013 và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP đã quy định đối tượng vay vốn gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; NLĐ (không phân biệt thuộc hay không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình trạng hôn nhân...), trong đó lao động là người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn.
Tính đến tháng 3/2024, tổng dư nợ Chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt khoảng trên 94.500 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động mỗi năm (lao động nông thôn chiếm khoảng 90%; lao động nữ chiếm khoảng 55%; lao động là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10%; lao động là người khuyết tật chiếm khoảng 5%).
V.Thu