Chính sách mới về hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho NLĐ đang được Bộ LĐ-TB và XH dự thảo với một số nội dung bổ sung, sửa đổi.
Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được xây dựng, ban hành từ năm 2015 theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng từ 2-6 triệu đồng/người/khóa đào tạo, tùy theo từng đối tượng. Một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn (30.000 đồng/người/ngày thực học), tiền đi lại (200.000 đồng/người/khóa học).
Đến nay, Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg đã triển khai gần 10 năm và chưa được điều chỉnh theo kịp tình hình mới nên có nhiều bất cập. Về việc này, 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 30 ý kiến, kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, cử tri được ghi nhận với nội dung đề xuất tăng mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tăng hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đặc biệt là các nhóm đối tượng người khuyết lật, lao động nông thôn, người DTTS, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho một số nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng mà 25/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng cho thấy, phần lớn định mức chi phí đào tạo đều cao hơn so với mức hỗ trợ được quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg. Vì vậy, trong trường hợp địa phương, cơ sở đào tạo không bố trí hoặc huy động thêm được các nguồn khác để đảm bảo chi phí đào tạo, người học (phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật) phải đóng bù phần chênh lệch này.
Trong khi đó, theo thống kê, trên 40% đối tượng được hỗ trợ là người thuộc diện được hưởng chính sách người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất… Họ đều là nhóm đối tượng có nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ đào tạo để nâng cao trìn độ kỹ năng nghề nhằm sớm tìm được việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Sau khi nghiên cứu, Bộ LĐ-TB và XH đề xuất, người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo cho 1 khóa học. Mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Đồng thời, khi tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, các đối tượng người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, ngư dân đánh bắt xa bờ; người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; người học là nữ và các đối tượng khác trong các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại khi tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Cụ thể, mức hỗ trợ tiền ăn tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày thực học. Mức hỗ trợ tiền đi lại tối thiểu 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Đối với người khuyết tật, người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại tối thiểu 500.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú lừ 5 km trở lên. Mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại cụ thể do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, điều kiện từ ngân sách địa phương và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.
Tùng Anh