Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận Việt Nam loại trừ được bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng. Thành tựu đáng chú ý này đã được WHO vinh danh tại Phiên họp thứ 75 của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương (khai mạc ngày 21/10 tại Manila).
Thành tựu này có nghĩa là người dân Việt Nam sẽ không còn nguy cơ bị mù lòa do bệnh mắt hột- nguyên nhân truyền nhiễm gây mù lòa hàng đầu trên toàn thế giới.
Bệnh mắt hột là một căn bệnh về mắt có thể phòng ngừa được do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh lây lan qua ruồi và mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người mắc bệnh. Khi bị nhiễm trùng nhiều lần, lông mi có thể bị kéo vào trong và cọ xát vào bề mặt mắt, gây đau và làm hỏng giác mạc. Một số người bệnh phải phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do căn bệnh này.
“Việc loại trừ bệnh mắt hột như một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam là một thành tựu to lớn đối với đất nước và cuộc chiến chống lại căn bệnh này trên toàn cầu”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus- Tổng Giám đốc WHO cho biết. “Cột mốc này là minh chứng cho sự tận tụy không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam, bao gồm nhiều người làm việc ở cộng đồng. Nó nhấn mạnh sức mạnh của hành động tập thể, tư duy sáng tạo và cam kết chung hướng đến một tương lai khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người. Tôi ca ngợi Việt Nam vì sự tận tụy và thành công trong việc bảo vệ thị lực của hàng triệu người”.
Thành tựu đáng chú ý này đã được WHO xác nhận và một bảng vinh danh đã được trao cho PGS. Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Liên Hương. Theo đó, trong 70 năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực chống lại bệnh mắt hột, điều trị cho hàng trăm nghìn người và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Những nỗ lực này đã được tăng cường đáng kể với việc triển khai chiến lược SAFE của WHO, bao gồm phẫu thuật, kháng sinh, vệ sinh mặt và cải thiện môi trường.
Các cuộc khảo sát trước đây cho thấy bệnh mắt hột là vấn đề sức khỏe cộng đồng tại bốn tỉnh của Việt Nam. 30 năm trước, 1,7% người dân sống tại các tỉnh có nguy cơ cao này cần phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do bệnh mắt hột. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ người lớn mắc dạng bệnh gây mù lòa này đã giảm xuống dưới 0,2%, đây là ngưỡng cần thiết để WHO xác nhận việc loại trừ bệnh mắt hột là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Việc theo dõi liên tục và tập trung triển khai chiến lược SAFE tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 1999, đã góp phần quan trọng trong sự giảm thiểu này. Việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam đã trở nên khả thi thông qua sự hợp tác giữa một số cơ quan chính phủ bao gồm Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác y tế quốc tế bao gồm Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Quỹ Fred Hollows, Sáng kiến quốc tế về bệnh mắt hột (ITI), Tổ chức RTI International, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Việt Nam là một trong những nhóm quốc gia đầu tiên nhận được azithromycin do Pfizer tài trợ cho mục đích loại trừ bệnh mắt hột thông qua ITI, một khoản tài trợ đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình toàn cầu chống lại bệnh mắt hột.
Đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt, mô tả bệnh mắt hột là căn bệnh của đói nghèo. “Những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch và vệ sinh là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng Việt Nam đã chứng minh rằng có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột”.
Năm 2018, Việt Nam đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết. Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, căn bệnh hiện chỉ còn xuất hiện ở một số vùng và sắp được loại trừ. Thành công của Việt Nam là một phần trong tiến trình phòng ngừa dịch bệnh rộng hơn tại Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Kể từ khi WHO đưa ra lộ trình đầu tiên về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTD) vào năm 2012, Khu vực này đã có những bước tiến đáng kể trong việc loại trừ bệnh mắt hột. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, bốn trong số 11 quốc gia có bệnh mắt hột của Khu vực đã được xác nhận là loại trừ được bệnh mắt hột. Việt Nam trở thành quốc gia thứ năm, cùng với Campuchia, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vanuatu ghi nhận thành tích này, nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực bền bỉ trong việc giải quyết các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Trong thông cáo báo chí chúc mừng Việt Nam loại trừ được bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng được phát hành ngày 22/10/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết: Việt Nam, với hỗ trợ của các đối tác và nhà tài trợ trong nước và nước ngoài, đã loại trừ được bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng thông qua triển khai điều trị cộng đồng, theo dõi và ghi lại đầy đủ toàn bộ tiến trình. Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt trung ương Việt Nam đã luôn đi đầu trong nỗ lực thanh toán bệnh mắt hột. Giám đốc USAID Việt Nam- Aler Grubbs nhấn mạnh: “Loại trừ thành công bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng thể hiện những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Việt Nam nhằm giải quyết các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. USAID rất vui mừng là một phần trong nỗ lực hợp tác tuyệt vời này và sẽ tiếp tục là đối tác đầy cam kết của Việt Nam trong công tác tăng cường y tế công cộng”.
Thái An