Theo TS.Angela Pratt- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới tin rằng, chỉ có lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm này mới có thể bảo vệ hiệu quả những người trẻ tuổi khỏi tác hại của chúng. Do đó, WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp ban hành lệnh cấm hoàn toàn càng nhanh càng tốt đối với các sản phẩm này.
Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5) do Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng WHO tại Việt Nam tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội, TS.Angela Pratt- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra 2 khuyến nghị là Việt Nam cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế.
TS.Angela Pratt- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam
Thứ nhất, liên quan đến các sản phẩm Nicotine và thuốc lá mới. Theo TS.Angela Pratt, những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe, khiến những người trẻ tuổi làm quen với Nicotine, khiến họ bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển bản thân. “Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới ngày càng tăng mạnh trong giới trẻ Việt Nam. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn điều này trước khi quá muộn"- TS.Angela Pratt nhấn mạnh.
Đại diện WHO hoan nghênh Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa ban hành trong tháng này nhằm tăng cường truyền thông về tác hại của các sản phẩm Nicotine và thuốc lá mới, tăng cường thực thi chống buôn lậu và kiểm soát tội phạm ma túy. “Tuy nhiên, WHO tin rằng, chỉ có lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm này mới có thể bảo vệ hiệu quả những người trẻ tuổi của Việt Nam khỏi tác hại của chúng. Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp ban hành lệnh cấm hoàn toàn càng nhanh càng tốt đối với các sản phẩm này”- bà Angela Pratt bày tỏ.
Thứ hai, liên quan đến giá và khả năng chi trả của các sản phẩm thuốc lá thông thường. Theo TS.Angela Pratt, thuốc lá ở Việt Nam cực kỳ rẻ do thuế thấp. Điều này có nghĩa, giá cả không tạo được rào cản ngăn ngừa những nhóm trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc và không khuyến khích những người hiện đang hút từ bỏ thuốc lá. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần làm cho việc bắt đầu hút thuốc hay tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn nhiều. Do vậy, việc tăng thuế thuốc lá chính là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để đạt được điều này.
Vì vậy, TS.Angela Pratt kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tận dụng cơ hội trong năm nay để tăng đáng kể thuế thuốc lá, giúp “tiêm phòng” cho thanh niên Việt Nam khỏi tác hại của việc sử dụng thuốc lá suốt đời. Đáng chú ý, việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.
Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31/5) là "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá". Trên toàn cầu, vào Ngày Thế giới không thuốc lá, những người trẻ tuổi đang kêu gọi những nhà hoạch định chính sách bảo vệ họ khỏi các chiến thuật tiếp thị thuốc lá và khỏi ngành công nghiệp thuốc lá.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, trong năm 2022, tổng chi phí liên quan đến KCB liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng.
Còn theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó nhóm 13-17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
Hà Hùng