Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong ở sản phụ trên toàn cầu đã giảm 40% kể từ đầu thế kỷ. Tuy nhiên, WHO cảnh báo, tiến trình này dần trì trệ kể từ năm 2016.
Bà Pascale Allotey, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Sức khỏe tình dục và Sinh sản (Sexual and Reproductive Health and Research (SRH)) của WHO, thông tin: “Tiến bộ về số ca tử vong ở sản phụ trên toàn cầu đã chậm lại, thậm chí ở một số khu vực, chúng ta đã tụt hậu. Đây là điều đáng tiếc, bởi hầu hết các ca tử vong ở bà mẹ đều có thể phòng, ngừa được”.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Vào năm 2023, năm gần đây nhất có dữ liệu, ước tính có 260.000 ca tử vong ở sản phụ được ghi nhận. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ: "Mặc dù báo cáo về số ca tử vong ở sản phụ cho thấy tia hy vọng, song dữ liệu thu thập được cũng khắc họa mức độ nguy hiểm của sản phụ ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay, Vì vậy, ngoài việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc thai sản kỳ, việc tăng cường sức khỏe và quyền sinh sản của phụ nữ, trẻ em gái sẽ rất quan trọng".
WHO cũng lo ngại, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong bối cảnh viện trợ toàn cầu bị cắt giảm. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại nhiệm sở vào tháng 1/2025, hầu hết các khoản tài trợ, viện trợ nước ngoài của Mỹ đều bị “đóng băng”. Ông Bruce Aylward, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách BHYT toàn dân, phát biểu với PV: "Toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại ngày càng tăng trong cuộc chiến chống lại tỷ lệ tử vong ở sản phụ. Việc cắt giảm tài trợ là một “cú sốc” nghiêm trọng, khiến các quốc gia không có thời gian để triển khai và lập kế hoạch cho các nguồn tài trợ khác mà họ sẽ sử dụng trong nỗ lực đảm bảo các dịch vụ thiết yếu nhất có thể tiếp tục. Ngoài ra, dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở y tế; nhân viên y tế bị ngưng việc; làm gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư cứu sinh và thuốc men như thuốc điều trị xuất huyết, tiền sản giật và sốt rét- tất cả đều là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ".
Các chuyên gia phân tích, đại dịch Covid-19 là một ví dụ đáng sợ về thiệt hại khủng khiếp mà tình trạng gián đoạn dịch vụ y tế có thể gây ra. Bà Jenny Cresswell, nhà nghiên cứu, người chắp bút chính Báo cáo của WHO, cho biết thêm: "Có khoảng 40.000 ca tử vong ở sản phụ vào năm 2021, cụ thể là 322.000 ca, tăng so với con số 282.000 ca của năm trước đó. Sự gia tăng này không chỉ liên quan đến những tác động trực tiếp do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn do sự gián đoạn đối với dịch vụ chăm sóc thai sản- điều này cho thấy việc đảm bảo các dịch vụ chăm sóc thai sản được bảo vệ trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào là rất quan trọng”.
Báo cáo của WHO cũng nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng dai dẳng giữa các khu vực và quốc gia trong cuộc chiến chống lại tỷ lệ tử vong ở sản phụ. Mặc dù khu vực cận Sahara châu Phi đã đạt được những thành tựu đáng kể kể từ năm 2000 và trong một thập kỷ trở lại đây nhưng khu vực này vẫn chiếm khoảng 70% số ca tử vong ở sản phụ trên toàn cầu. Một số khu vực khác chứng kiến tỷ lệ tử vong ở sản phụ trì trệ sau năm 2015, bao gồm Bắc Phi, phần lớn châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. “Mỹ là một trong những quốc gia mà chúng ta đang chứng kiến xu hướng gia tăng tỷ lệ tử vong ở sản phụ”- Bà Jenny Cresswell nhận định.
Tùng Anh