Nhiều người tin rằng âm nhạc, như một “ngôn ngữ” phổ biến, có thể phá bỏ rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp. Trong hoàn cảnh khó khăn, âm nhạc có thể là chất xúc tác gắn kết mọi người lại với nhau. Hay nói cách khác, âm nhạc đóng vai trò như một kênh thể hiện sự đoàn kết và truyền tải thông điệp tích cực tới nhiều đối tượng, trong đó có người nghèo.
Hip-hop có nguồn gốc từ những thanh thiếu niên nghèo sinh sống trong lòng New York (Mỹ). Khởi đầu một cách khiêm tốn, song hip-hop phát triển thành một thể loại đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật và thể loại phái sinh. Đối với hàng nghìn người đang vật lộn với nghèo đói, hip-hop mang đến một lối thoát để thể hiện cả cảm xúc tiêu cực, lẫn tích cực, về quá trình trưởng thành và môi trường xung quanh họ.
Điều hip-hop gây ấn tượng là miêu tả sự khốc liệt của cuộc sống, nói lên tiếng nói của những người nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội, để chia sẻ tâm tư của họ với khán giả toàn cầu. Qua đó, hip-hop đóng vai trò như một công cụ mạnh mẽ để thu hút, vận động cộng đồng lưu tâm về nghèo đói như một vấn đề nghiêm trọng của thời cuộc; truyền cảm hứng để người nghèo vực dậy tinh thần và có suy nghĩ tích cực hơn và trên hết, kêu gọi mọi người đoàn kết lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề nghèo đói toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, rằng giáo dục âm nhạc, đặc biệt là ở các cộng đồng có kinh tế- xã hội chưa phát triển, có thể nâng cao kỹ năng nhận thức và mang lại cơ hội đổi đời cho thanh thiếu niên nghèo. Bằng cách đầu tư vào các chương trình/dự án âm nhạc hay ủng hộ các chính sách hỗ trợ giáo dục nghệ thuật, cộng đồng xã hội có thể trao quyền cho các thanh thiếu niên nghèo vượt qua giới hạn của nghèo đói, ổn định cuộc sống trong tương lai.
Một nghiên cứu tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã chứng minh rằng, âm nhạc có thể giúp giảm bớt những tổn hại về mặt tâm lý mà nghèo đói mang lại. Nghiên cứu này quan sát việc âm nhạc ảnh hưởng như thế nào đến não bộ của thanh thiếu niên ở độ tuổi 14-15. Quan sát cho thấy, thanh thiếu niên học chơi nhạc sẽ có lòng tự trọng cao hơn, họ cũng tự tin rằng có thể đạt được một số điều mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ là có thể. Ngoài ra, bằng cách học tập và nghiên cứu các kỹ năng mới, họ phát triển ý thức kỷ luật mới mà có thể đang thiếu, từ đó khuyến khích họ thử những điều mới, như học Đại học hoặc có bước ngoặt trong lựa chọn nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ (NGO) thường tham gia vào các hoạt động nhân đạo, xã hội, môi trường hoặc phát triển. Họ thường tập trung giải quyết các vấn đề và nhu cầu khác nhau trong xã hội, như xóa đói giảm nghèo, vận động nhân quyền, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển cộng đồng. Một trong những công cụ hiệu quả của họ chính là âm nhạc. Chẳng hạn, một nghiên cứu căn cứ phân tích các video-clip tiếng Anh của các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh (Anh), Hoa Kỳ (Mỹ) và Canada cho thấy, việc sử dụng âm nhạc để khắc họa câu chuyện về những hoàn cảnh khó khăn đem lại hiệu quả cao nhất và cũng truyền cảm hứng nhất.
Mặc dù nhiều quốc gia phát triển đã và đang đầu tư vào ngành công nghiệp âm nhạc của họ, song các ca, nhạc sĩ nổi tiếng đến từ các quốc gia đang phát triển vẫn được công nhận ở thị trường phương Tây. Một số ca, nhạc sĩ như Youssou N'Dour và Salif Keita, đã thành lập công ty âm nhạc của riêng họ ở các quốc gia đang phát triển, thể hiện những nỗ lực đầy hứa hẹn trong việc phát triển hoạt động kinh doanh âm nhạc trong nước. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đề xuất Sáng kiến Phát triển Công nghiệp Âm nhạc (MIDI) nhằm mục đích xây dựng năng lực cho các quốc gia đang phát triển, để thương mại hóa các sản phẩm âm nhạc của họ thông qua giáo dục- đào tạo về kỹ năng kinh doanh, tiếp thị và xuất khẩu. Bằng cách trao quyền cho các quốc gia đang phát triển trong ngành công nghiệp âm nhạc, MIDI góp phần ổn định kinh tế và giảm tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển.
Tùng Anh (Theo LHQ)