Liên Hợp Quốc vừa công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ "những người tị nạn và cộng đồng phải di dời", vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.
Thông báo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) nêu bật mục tiêu huy động 100 triệu USD cho quỹ mới vào cuối năm tới để hỗ trợ người tị nạn hoặc cộng đồng, cũng như chính quyền các nơi tiếp nhận họ và những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng khẩn cấp về khí hậu. UNHCR nhấn mạnh các rủi ro liên quan tới khí hậu “có mối tương quan chặt chẽ với xung đột và nghèo đói” mà nhiều người tị nạn phải trải qua. Thông báo ghi nhận hơn 70% người tị nạn và người xin tị nạn đã phải rời đất nước, nơi có mức độ tổn thương cao về khí hậu, trong năm 2022.
Thông báo dẫn lời người đứng đầu UNHCR- ông Filippo Grandi đánh giá: “Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên tàn khốc hơn, xung đột ngày càng trở nên trầm trọng hơn, phá hủy sinh kế và cuối cùng là gây ra làn sóng di dời. Nhiều quốc gia hào phóng nhất trong việc tiếp nhận người tị nạn cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, nguồn tài trợ sẵn có để giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu không đến được với những người bị buộc phải di dời, cũng như các cộng đồng tiếp nhận họ”.
UNHCR cho biết quỹ mới sẽ hoạt động để đảm bảo các biện pháp mới liên quan đến khí hậu cũng tính tới những vấn đề của người tị nạn. Quỹ mới cũng nhằm mục đích nâng cao khả năng sẵn có của các nguồn tài nguyên bền vững với môi trường, trong đó có nỗ lực cung cấp nhiều năng lượng sạch hơn, chẳng hạn như điện nước, trường học và cơ sở hạ tầng y tế. Quỹ mới cũng sẽ hỗ trợ phục hồi môi trường, xây dựng những nơi trú ẩn thích ứng với khí hậu và hỗ trợ sinh kế thông minh với khí hậu.
UNHCR khẳng định quỹ khí hậu mới sẽ ưu tiên những dự án có sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng trong việc lên kế hoạch và thực hiện, đồng thời cam kết mang lại hiệu quả tại địa phương. Ông Grandi nhấn mạnh: “Bằng cách giảm thiểu mức độ tiếp xúc với các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu, đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên bền vững và thúc đẩy sự hòa nhập, các dự án này được kỳ vọng mang lại cải thiện rõ rệt về điều kiện sống, sự an toàn và phúc lợi của người tị nạn và nơi tiếp nhận họ”.
Ngọc Tuấn